Ngày 20/12/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo “ Một số khía cạnh chính sách và kinh tế của thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp”. Nội dung của hội thảo nhằm thảo luận các vấn đề:
- Báo cáo kết quả tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên Hợp Quốc (COP 19) tại Ba Lan của Đoàn Việt Nam: những thành tựu và thách thức trong tương lai.
- Quan điểm về chính sách và thể chế phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam.
- Phân tích khía cạnh kinh tế của một số chính sách thích ứng với BĐKH lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất.
Chủ tịch COP phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Mở đầu hội thảo, Phó giáo sư- Tiến sỹ Đinh Vũ Thanh- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường- Trưởng nhóm đàm phán Biến đổi khí hậu Bộ NN&PTNT phát biểu khai mạc và có bài trình bày về kết quả đàm phán biến đổi khí hậu COP 19 tại Vác-sa-va, Ba Lan. Đại diện đoàn Việt Nam nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của lĩnh vực nông nghiệp do biến đổi khí hậu thể hiện giảm sản lượng, tăng sâu bệnh, hạn hán, đe dọa cuộc sống của người nông dân vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Hội nghị COP 19 kết thúc và đã đạt được sự nhất trí về một số nguyên tắc chính mang tính thỏa hiệp cho một số thỏa thuận mới rằng tất cả các nước sẽ có “ những đóng góp riêng” nhằm góp phần cắt giảm khí thải CO2 và ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Koos Neefjes- Cố vấn chính sách của UNDP cũng chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu hướng tới giai đoạn 2015-2020. Ông cũng mong muốn Việt Nam cần có sự cải cách mạnh mẽ về chính sách, định hướng tăng trưởng xanh, các kế hoạch hành động cụ thể và hơn hết là cơ chế tài chính cho biến đổi khí hậu. Để tiến tới Hội nghị COP 21 tại Paris- nền tảng đầu tiên cho một Hiệp định về khí hậu sẽ được ký kết tại Hội nghị Pari 2015 với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 20C và Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, nâng cao uy tín, chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra những quan điểm và lợi ích quốc gia nhằm góp phần cam kết giảm phát thải khí nhà kính; tăng hiệu quả của các hoạt động thích ứng, tăng năng suất trong nông nghiệp.
Các diễn giả tiếp theo trình bày về mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tăng cường hiệu quả của diện tích đất nông nghiệp hiện có và tập trung tăng sản lượng trên diện tích này thay vì mở rộng diện tích canh tác mới; đa dạng hóa đầu vào sản xuất và các hệ thống tiếp thị đầu ra; sử dụng các công nghệ hiệu quả về năng lượng cho năng lượng dùng trong nông nghiệp (tưới tiêu hoặc làm đất). Phân tích tiềm năng giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự cũng đưa ra những quan điểm, ý kiến của mình và thống nhất quá trình giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu là một quá trình lâu dài và cần huy động tất cả các nguồn lực tham gia. Để có những hành động cụ thể và cấp thiết trước diễn biến ngày càng khó lường của thời tiết, chính sách cũng như chiến lược của Việt Nam cần phải lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào tất cả các ngành, lĩnh vực chứ không chỉ riêng trong nông nghiệp. Các tổ chức quốc tế cũng mong muốn Bộ NN&PTNT xây dựng được cơ sở dữ liệu mamg tính chính thống để chia sẻ thông tin, nghiên cứu chuyên môn và kết nối các bên liên quan để tận dụng sức mạnh cho cuộc chiến đấu không cân sức giữa con người và những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.