Sau bài phát biểu của Ông Nguyễn Xuân Diệu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, đại diện Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai – Ông Nguyễn Huỳnh Quang trình bày về quá trình thực hiện Đề án. Đến cuối năm 2012, Đề án đã đạt được những kết quả sau: đào tạo được 718 giảng viên cấp tỉnh cho 63 tỉnh thành về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (QLRRTTDVCĐ); đào tạo thí điểm 108 giảng viên cấp huyện cho riêng tỉnh Kiên Giang; thành lập được các Nhóm hỗ trợ kỹ thuật để hướng dẫn thực hiện Đề án ở một số tỉnh; đang xây dựng tài liệu truyền thông về giảm nhẹ thiên tai (GNTT) và QLRRTTDVCĐ có 39 tỉnh và thành phố đã lập kế hoạch thực hiện Đề án gửi về Bộ NN & PTNT; Kế hoạch thực hiện cho giai đoạn 2013 – 2015 đã được xây dựng và được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 333/QĐ-TTg ngày 18/02/2013. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có gặp những khó khăn: chưa có cơ chế và hướng dẫn tài chính; chưa thống nhất bộ tiêu chí lựa chọn 6000 xã ưu tiên; chưa xác định rõ ràng cơ quan đầu mối ở địa phương và cán bộ chuyên trách; thiếu đội ngũ đào tạo và tuyên truyền; thiếu tài liệu truyền thông ở cấp tỉnh, huyện và xã.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ những kết quả đạt được và kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan đến Đề án 1002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay Bộ đang xúc tiến thành lập Nhóm điều phối về GNRRTT và định hướng tập trung ưu tiên triển khai những nhiệm vụ chính cho giai đoạn 2013 – 2015.
Đánh giá về kết quả hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (CTĐVN) và Bộ NN & PTNT trong việc thực hiện Đề án QLRRTTDVCĐ, ông Nguyễn Hữu Thắng – Phó trưởng Ban quản lý thảm họa, Trung ương CTĐVN cho biết Hội CTĐVN có thế mạnh về kỹ năng, phương pháp và nhân lực trong việc tập huấn và thực hiện lĩnh vực GTRRTTDVCĐ trong suốt 12 năm qua. Hội CTĐVN đã xây dựng nhiều tài liệu về biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và thực hiện các nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, kết quả thực hiện Đề án vẫn còn có những hạn chế cả về khách quan và chủ quan.
Mặc dù đã có sự quan tâm từ các tổ chức xã hội, báo chí, doanh nghiệp và ngành giáo dục nhưng vấn đề QLRRTT vẫn còn phiến diện, chưa có cơ chế khuyến khích người dân và các bên liên quan tham gia vào kế hoạch phòng, chống thiên tai ở địa phương, chưa có cơ chế huy động các ngành, các lĩnh vực và chương trình nâng cao nhận thức. Một số thách thức và quan tâm của đại diện địa phương là nguồn vốn của chính phủ quá hạn chế, do vậy, chỉ có thể đủ để tập huấn mà không có trang thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng, và cơ chế chính sách để đảm bảo tính bền vững sau khi dự án.
Các điểm chính trong phiên thảo luận gồm có:
- Chương trình và kế hoạch đào tạo
- Các tiêu chí xác định 6000 xã thực hiện Đề án
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thiên tai
- Cơ cấu tổ chức và Cơ chế tài chính để thực hiện Đề án theo Quyết định 333/QĐ-TTg
Kết thúc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Diệu khẳng định Đề án 1002 của Chính phủ mang kỳ vọng lớn, tuy nhiên nhiều tỉnh chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của Đề án này. Các địa phương có thể đề nghị các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam hỗ trợ thực hiện Vì vậy, Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan ban ngành, các cấp cần phối hợp chặt chẽ để triển khai Đề án một cách hiệu quả nhất./.