Hội thảo tập huấn được thực hiện trong khuôn khổ dự án Nâng cao năng lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các đối tác Chính phủ và cộng đồng nhằm đẩy mạnh công tác quản lý thảm họa – Dipecho 8.
Khai mạc và chủ trì Hội thảo có sự góp mặt của tiến sỹ Lê Thế Thìn, Trưởng Ban quản lý thảm họa, Trung Ương hội chữ thập đỏ Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc trung tâm PT&GNTT, Bà Nguyễn Hồng Hạnh đại diện Hội chữ thập đỏ Hà Lan. Tham dự Hội thảo tập huấn có 03 Giảng viên của Hội chữ thập đỏ Việt Nam và 15 cán bộ trẻ trung tâm PT&GNTT.
Mục tiêu của Hội thảo là nhằm giới thiệu cho các cán bộ trẻ trung tâm PT&GNTT về VCA và nâng cao kiến thức nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM) theo quyết định 1002/QĐ-TTg ngày 13/07/2009.
Nội dung của Hội thảo bao gồm: giới thiệu các khái niệm, nguyên tắc, quy trình của VCA; lồng ghép kết quả VCA vào việc lập kế hoạch, phát triển kinh tế xã hội của địa phương; trao đổi các kinh nghiệm của Hội chữ thập đỏ trong triển khai VCA cấp cộng đồng.
Qua Hội thảo, các học viên đã trao đổi những vấn đề cơ bản của chương trình CBDRM và phương pháp VCA được thực hiện từ cấp cộng đồng với sự tham gia của người dân, các nhóm người dễ bị tổn thương. Hội thảo diễn ra sôi nổi, có nhiều ý kiến đóng góp từ các cán bộ về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và cứu trợ, ứng phó khẩn cấp. Đặc biệt là những kinh nghiệm thực hiện đánh giá TTDBTT và khả năng của cộng đồng ở cấp xã của Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ việc thực hiện Đề án 1002 (CBDRM), một số nội dung đã được nêu và tranh luận như sau:
1. Nghiên cứu thống nhất quy trình, nội dung của VCA và từng bước đưa VCA là công cụ thống nhất áp dụng trong các hoạt động liên quan của Đề án.
2. Với vai trò, kinh nghiệm áp dụng VCA, Hội chữ thập đỏ Việt Nam cần tổng hợp các kết quả đánh giá VCA đã thực hiện tại các xã, để đưa ra đánh giá và kiến nghị về nhu cầu và mong muốn chung của cộng đồng.
3. Rà soát các tài liệu VCA hiện có để đưa ra hướng dẫn thống nhất về sử dụng VCA trong Đề án 1002 (CBDRM).