Trung tâm Phòng tránh và GNTT chủ trì, phối hợp xây dựng cuốn tài liệu Hướng dẫn lồng ghép giới trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Nội dung tài liệu sẽ hướng dẫn cách thức lồng ghép các nội dung về giới, bình đẳng giới vào công tác quản lý, đánh giá RRTT-DVCĐ tại cấp xã. Cuốn tài liệu sẽ được Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Để hoàn thiện nội dung dự thảo tài liệu, cũng như đảm bảo sự phù hợp của cuốn tài liệu tại cấp cộng đồng, Ngày 13 tháng 9 năm 2016 Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai phối hợp với UN Women tổ chức Hội thảo tham vấn tài liệu Hướng dẫn lồng ghép giới trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng lần thứ 2.
|
(Ảnh Hội thảo tham vấn – Nguồn DMC) |
Tham dự buổi hội thảo có đại biểu đại diện các cơ quan trung ương như Cục Phòng, chống thiên tai, Tổng cục Thuỷ lợi - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục bảo trợ xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cùng đại diện của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã và đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai tại Việt nam.
Về phía đại biểu địa phương, có đại diện từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN, Hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố: Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đồng Tháp, Cà Mau và đặc biệt có hai đại biểu đại diện Nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã đến từ xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đây là 02 xã đã được tham gia thí điểm tập huấn và sử dụng cuốn tài liệu này.
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Bùi Quang Huy-Phó giám đốc Trung tâm Phòng tránh và GNTT chia sẻ đây là bản dự thảo lần 3 được điều chỉnh sau khi ghi nhận các ý kiến góp ý của buổi hội thảo tham vấn vào tháng 04/2016 tại tỉnh Thừa Thiên Huế và các bài học kinh nghiệm được đúc rút qua 02 lần thử nghiệm tại 02 xã Lộc Vĩnh tỉnh Thừa Thiên Huế và xã Mai Hóa tỉnh Quảng Bình. Ông Bùi Quang Huy cũng đề nghị các đại biểu tích cực đóng góp ý kiến và chia sẻ các kinh nghiệm làm việc với cộng đồng từ các chương trình, dự án liên quan của đơn vị để đóng góp ý kiến để nội dung tài liệu thực sự bám sát và phù hợp với tình hình thực tế tại cấp cộng đồng, đặc biệt là những đánh giá của 02 xã Lộc Vĩnh và Mai Hóa sau khi thực hiện thí điểm.
|
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Sumaiya đại diện UN Women cũng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc lồng ghép giới trong công tác phòng chống thiên tai nói chung và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng. Thay mặt UN Women, bà trân trọng cảm ơn Trung tâm Phòng tránh và GNTT và đặc biệt là ông Bùi Quang Huy đã quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện trong suốt quá trình xây dựng và thử nghiệm tài liệu.
Bắt đầu nội dung hội thảo, bà Mai Thị Dung tư vấn xây dựng tài liệu đã trình bày quá trình xây dựng tài liệu và các kết quả chính qua 02 lần thực hiện thí điểm tài liệu với một số nội dung chính như sau:
- Về quá trình xây dựng và điều chỉnh tài liệu: Dự thảo tài liệu đã được xây dựng và điều chỉnh 03 lần (i) Đơn vị tư vấn phối hợp với các chuyên gia về giới xây dựng dự thảo lần 1 cuốn tài liệu (ii)Tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan và thu thập ý kiến đóng góp để điều chỉnh tài liệu lần 2 tại tỉnh Thừa Thiên Huế (iii) Điều chỉnh dự thảo lần 3 sau khi tổ chức thử nghiệm sử dụng tài liệu tại cộng đồng.
- Về nội dung và kết quả việc thử nghiệm thực tế cuốn tài liệu: Nội dung cuốn tài liệu được áp dụng thực hiện thực tế 02 xã Lộc Vĩnh, Thừa Thiên Huế và xã Mai Hóa tỉnh Quảng Bình trong thời gian 06 ngày/xã. Đối tượng được đào tạo, tập huấn, sử dụng và góp ý nội dung dự thảo tài liệu là nhóm hỗ trợ kỹ thuật xã và các nhóm cộng đồng. Phương pháp thực hiện thử nghiệm tài liệu là tổ chức tập huấn tại lớp sau đó lấy ý kiến góp ý của các học viên để điều chỉnh tài liệu; tổ chức triển khai thực hiện thực tế trên địa bàn xã và tiếp tục rút kinh nghiệm tiếp tục hoàn thiện tài liệu. Kết quả thu được: Nội dung tài liệu đã bám sát hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về các bước quản lý RRTT-DVCĐ; đơn giản hóa các thuật ngữ và bổ sung các ví dụ minh họa để phù hợp với các đối tượng sử dụng tài liệu là cán bộ cấp xã, thôn và cộng đồng; nhấn mạnh lợi ích, trách nhiệm của việc thực hiện lồng ghép giới vào quản lý RRTT-DVCĐ; bổ sung thêm bộ chỉ số giám sát đánh giá việc thực hiện lồng ghép giới vào trong bộ chỉ số theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án 1002 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Theo chương trình hội thảo, đại diện 02 xã Lộc Vĩnh và Mai Hóa cũng đã chia sẻ một số đánh giá sau khi trực tiếp được tập huấn và sử dụng tài liệu:
- Qua quá trình thực hiện đã nâng cao và/hoặc thay đổi vai trò, chất lượng của các thành viên nữ trong nhóm HTKT (trước đây là nữ giới lo hậu cần bây giờ họ có thể điều phối cuộc họp dân để thu thập thông tin, tham gia vào quá trình tổng hợp thông tin đánh giá thu thập được/đề xuất đưa các vấn đề của người dân, trong đó có vấn đề giới vào kế hoạch PCTT của địa phương).
- Các nội dung hướng dẫn của tài liệu không quá khó, các công cụ được hướng dẫn cụ thể, bảng biểu dễ áp dụng và phù hợp với năng lực cán bộ xã, vừa đủ thông tin để lập kế hoạch PCTT. Tuy nhiên nếu bổ sung thêm hoạt động cần thực hiện là quá tải, khó khả thi.
- Tiếp thu các góp ý kiến tại hội thảo tham vấn ở Huế, bộ câu hỏi chung của các công cụ đã được lồng ghép, bổ sung các câu hỏi về lồng ghép giới. Đánh giá chung bộ câu hỏi của tài liệu là hợp lý và làm được. Trong đó, bộ câu hỏi sử dụng những từ ngữ thông dụng, dễ hiểu, nhấn mạnh đến việc hỏi phụ nữ nên các thông tin của nữ giới nhất là nữ giới bị khuyết tật được thu thập đầy đủ hơn. Thực tế khi tiến hành phỏng vấn, người dân trả lời được các câu hỏi.
- Tài liệu cũng hướng dẫn rõ việc mời phụ nữ của các thôn tham gia (trước đây chung chung, mời nam giới là chính), đảm bảo tỷ lệ cân đối nam, nữ tham gia các cuộc họp đánh giá rủi ro thiên tai.
- Báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai và kế hoạch PCTT của xã được cập nhật, bổ sung thêm các vấn đề giới so với báo cáo, kế hoạch hiện tại. Nội dung kế hoạch PCTT bám sát với yêu cầu của Luật PCTT dựa trên kết quả đánh giá của từng thôn.
- Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn, các cán bộ xã thôn cần được nâng cao năng lực về quản lý, đánh giá RRTT-DVCĐ; kiến thức, kỹ năng về giới và lồng ghép giới; tăng cường sự tham gia điều phối của nữ giới trong các nhóm HTKT; nâng cao nhận thức, năng lực về PCTT cho đại diện Hội phụ nữ xã và thôn để tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động đánh giá, lập kế hoạch.
Phiên thảo luận của hội thảo diễn ra sôi nổi và có nhiều ý kiến đóng góp cũng như chia sẻ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở các vùng miền trên cả nước, nhất là các khu vực vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số, việc thực hiện các hoạt động quản lý RRTT-DVCĐ có lồng ghép giới ở các khu vực này là một nhiệm vụ đầy thách thức. Nhiều đại biểu đánh giá cao nội dung tài liệu, việc Trung tâm Phòng tránh và GNTT tích cực chỉ đạo, xây dựng và tham mưu ban hành tài liệu thể hiện sự quan tâm của cơ quan chính quyền đến yếu tố giới và bình đẳng giới trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
|
Kết thúc Hội thảo, Thay mặt Trung tâm Phòng tránh và GNTT, Ông Bùi Quang Huy cảm ơn những chia sẻ và đóng góp của toàn thể quý vị đại biểu. Các ý kiến đóng góp sẽ được đơn vị tư vấn tiếp thu và bổ sung trong dự thảo tài liệu. Sau khi hoàn thiện nội dung tài liệu, Trung tâm Phòng tránh và GNTT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép tiến hành tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan trung ương, cơ quan ban, ngành địa phương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trước khi ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện. Ông cũng hy vọng các cơ quan, tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành cùng Trung tâm trong việc huy động nguồn lựcvà thúc đẩy việc lồng ghép giới trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 1002 của Chính phủ.