Tham dự hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế: Lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Cục quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai – Bộ NN&PTNT; Cục Cứu hộ Cứu nạn - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Cục Dân quân Tự vệ - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Vụ Cơ sở vật chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Hội NKT Thành phố Hà Nội; Tổ chức Oxfarm; Tổ chức Catholic Relief Services (CRS); Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision); Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children); Tổ chức Samaritan’s Purse; Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC); Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam (HelpAge International); Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ hòa nhập NKT (ICC),…
Toàn thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Quang Minh – Trưởng phòng phòng Quản lý thiên tai cộng đồng, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhấn mạnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày nay, thiên tai đang dần trở nên bất thường, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và cường độ. Khi chúng ta đang ở đây, nhân dân tại một số tỉnh miền trung, nhất là Thừa Thiên Huế đang trải qua, chống chọi và khắc phục hậu quả với một trận lũ lớn, gây ngập lụt tại nhiều địa bàn, trong đó nhiều khu vực đô thị. Trong thiên tai, chúng ta đã chứng kiến, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trung ương và địa phương thì sự chủ động chuẩn bị, chủ động phòng tránh, chủ động ứng phó và sự chung tay hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng người dân trong khó khăn hoạn nạn đã giảm bớt được rất lớn thiệt hại do thiên tai gây ra. Đó cũng là minh chứng rõ ràng nhất - hiểu biết, kĩ năng của cộng đồng người dân đóng vai trò cực kì quan trong trong giảm thiểu rủi ro và tổn thất do thiên tai gây ra. Triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước về phòng chống thiên tai, ngày 06/4/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” tại quyết định số 553/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 553) trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm và bài học của Đề án 1002 với tầm nhìn đến năm 2030. Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì, giúp Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Đề án và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ.
Trong Hội thảo này, Ban soạn thảo mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, bài học kinh nghiệm của các cơ quan, tổ chức nhằm hoàn thiên 02 tài liệu: (i) Tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” và (ii) Tài liệu hướng dẫn quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Ông Đặng Quang Minh – Trưởng phòng Quản lý thiên tai cộng đồng, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phát biểu khai mạc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia đến từ Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên chia sẻ thông tin về:
- Nội dung và những điểm mới của Đề án 553 về Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý RRTT dựa vào cộng đồng so với Đề án 1002 trước đây;
- Dự thảo tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” và tài liệu hướng dẫn quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;
- Chia nhóm thảo luận.
Các đại biểu đến từ các Bộ ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế với sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tế của mình đã có những ý kiến đóng góp rất tích cực về 06 nội dung thảo luận tại Hội thảo, gồm: Cơ cấu tổ chức thực hiện Đề án; Lực lượng tham gia thực hiện Đề án; Nội dung Kế hoạch thực hiện Đề án và cách thức đưa nội dung, hoạt động trong kế hoạch thực hiện Đề án vào kế hoạch PCTT các cấp; Nội dung đào tạo, tập huấn, truyền thông; Nội dung, các bước Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và công cụ đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Báo cáo đánh giá RRTT DVCĐ.
Sau Hội thảo tham vấn, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến trao đổi, góp ý của các tổ chức, cá nhân, đơn vị khi sử dụng tài liệu.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Ông Bùi Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai - trình bày nội dung và những điểm mới của Đề án 553 về Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý RRTT dựa vào cộng đồng so với Đề án 1002 trước đây.
Bà Đỗ Thị Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai - thay mặt cơ quan chủ trì biên soạn tài liệu trình bày nội dung dự thảo 02 cuốn tài liệu: Tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” và Tài liệu hướng dẫn quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Các đại biểu tham gia thảo luận nhóm.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Tổng hợp, giải trình các ý kiến góp ý tại hội thảo.
Trước khi bản dự thảo được trình bày tại Hội thảo, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai đã tiến hành tổ chức tham vấn ý kiến dự thảo tài liệu 02 tài liệu tại địa phương với sự tham gia của Văn phòng thường trực BCH của 15 tỉnh miền núi phía Bắc, 03 tỉnh miền Trung và 17 huyện của tỉnh Quảng Nam, trong đó tập trung vào các nội dung về cơ cấu tổ chức, lực lượng tham gia thực hiện Đề án, Nội dung Kế hoạch thực hiện Đề án, Nội dung tập huấn, đào tạo, truyền thông, quy trình quản lý, đánh giá RRTT DVCĐ.
Tham vấn dự thảo 02 tài liệu tại tỉnh Hà Giang với sự tham gia của Văn phòng thường trực BCH của 15 tỉnh miền núi phía Bắc.