Ngày 21/8/2014, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai tổ chức Hội thảo tổng kết dự án thí điểm với mục tiêu giới thiệu các hoạt động và kết quả đạt được của dự án; giới thiệu chiến lược phát triển kế hoạch kinh doanh liên tục vùng (KHKDLTV) trong trường hợp thiên tai; thảo luận về các mong muốn và các hoạt động cần thiết để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh liên tục của các doanh nghiệp.
Hội thảo có sự tham gia của 90 đại biểu là đại diện một số cơ quan của bộ ngành liên quan, nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, lãnh đạo Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ Thiên tai đã nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết nghiên cứu xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục cho các khu công nghiệp tập trung của Việt Nam, đặc biệt là khu công nghiệp nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tiếp theo, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn giới thiệu về các hoạt động đã thực hiện và kết quả đạt được bao gồm: xây dựng báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai của Việt Nam nói chung và khu công nghiệp tập trung tại thành phố Hải phòng nói riêng; Thiết lập KHKDLT Vùng cho khu công nghiệp tập trung tại thành phố Hải phòng. Trên cở sở đó, xây dựng hướng dẫn chung về thiết lập KHKDLTV cho các nước trong khu vực ASEAN.
Ông Nguyễn Bá Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão thành phố Hải Phòng đánh giá cao các hoạt động thí điểm tại Hải Phòng, đồng thời nhấn mạnh mong muốn tăng cường nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về rủi ro thiên tai và phục hồi nhanh chóng các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất bị tác động bởi thiên tai. Ngoài ra, ông cũng đưa ra những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể là: Xây dựng và thực thi KHKDLTV của từng ngành, từng doanh nghiệp sát với tình hình thực tế ở Hải Phòng; Thường xuyên cập nhật, đánh giá rủi ro thiên tai; Đúc kết bài học kinh nghiệm về ứng phó thiên tai là cơ sở điều chỉnh, bổ sung KHKDLT; Tăng cường tính sẵn sàng ứng phó, khôi phục thiên tai của doanh nghiệp; Tổ chức lực lượng chuyên trách ứng cứu, phục hồi chuyên nghiệp nhanh chóng trong mọi tình huống.
Các đại biểu cũng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến doanh nghiệp trong công tác phòng chống thiên tai bao gồm những khó khăn, thách thức và mong đợi của khối doanh nghiệp.
Ông Đặng Quang Minh nhấn mạnh để tiếp tục cho các hoạt động tiếp theo Nhóm chuyên gia tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp để hoàn thiện bản kế hoạch và tiếp tục triển khai sâu rộng hơn tại thành phố Hải Phòng.
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá rủi ro thiên tai và thiết lập kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh vùng trong trường hợp thiên tai cho các khu công nghiệp tập trung có ý nghĩa rất quan trọng, tuy nhiên, vấn đề này còn khá mới đối với Việt Nam. Do đó, cần phải thực hiện nhiều hoạt động thí điểm hơn nữa trước khi triển khai rộng rãi cho các khu công nghiệp trên cả nước.