Với sự ban hành một loạt văn bản, chính sách hỗ trợ phần mềm nguồn mở của Chính phủ từ năm 2000 đến nay, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan nhà nước, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, kết quả ứng dụng phần mềm nguồn mở đã có những chuyển biến rõ rệt về nhận thức, về phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng thông dụng trên máy trạm, ứng dụng các giải pháp phần mềm nguồn mở trên máy chủ. Cộng đồng hỗ trợ phần mềm nguồn mở ngày một đông đảo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm nguồn mở ngày một nhiều sẽ tạo đà cho việc ra đời các sản phẩm phần mềm nguồn mở tốt hơn, dễ sử dụng hơn và sự phát triển của các dịch vụ xung quanh phần mềm nguồn mở.
Năm 2012 đánh dấu một mốc mới đối với phần mềm nguồn mở, thực hiện Quyết định 112 ngày 20/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với một số địa phương đặt hàng xây dựng 7 sản phẩm phần mềm nguồn mở thông dụng, có khả năng triển khai nhân rộng trong các cơ quan nhà nước như: Phần mềm cổng thông tin điện tử nguồn mở; Phần mềm thư điện tử đa cấp nguồn mở, Phần mềm thư điện tử cấp tỉnh nguồn mở; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các sở, ngành; phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các quận huyện; phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các sở ngành; phần mềm một cửa điện tử nguồn mở cho các quận, huyện. 7 Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai thử nghiệm thành công tất cả các sản phẩm này. Sẽ tiến tới chuyển giao cho tất cả các địa phương khác sử dụng sau khi đã thực hiện xong công tác lấy ý kiến góp ý hoàn thiện sản phẩm. “Điều này một lần nữa khẳng định những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Bộ Thông tin Truyền thông về chủ trương kết hợp các nguồn lực trong xã hội nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, Lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng và Sở Thông tin Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh trình bày về tình hình ứng dụng phần mềm nguồn mở tại hai thành phố, nhu cầu về chính sách và nguồn lực cũng như các định hướng phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, còn có hai bài tham luận đáng chú ý là "Tương lai của phần mềm nguồn mở -kết quả khảo sát 2013" của ông Nguyễn Thế Trung _ Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng và "Mô hình bền vững cho phát triển và ứng dụng phần mềm nguồn mở" của ông Lê Trung Nghĩa -đại diện Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở (VFOSSA).
Ngoài hai tham luận nêu trên còn có các thảo luận về nhu cầu và triển khai ứng dụng phần mềm nguồn mở trong giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và trong xã hội với sự tham gia của đại diện Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên môi trường, Đại học Quốc gia, Công ty NetNam và Đại học Đà Nẵng.