Tham dự Hội thảo có 40 đại biểu đến từ các quốc gia nằm trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Trung tâm phòng tránh thiên tai toàn cầu, Hiệp hội Chữ thập đỏ, đại diện các cơ quan phòng chống thiên tai của Chính phủ các nước và các đối tác khác.
Hội thảo tập trung thảo luận về thuật ngữ cộng đồng an toàn ở khu vực thành thị (Urban resilience); những yếu tố gây ra tình trạng dễ bị tổn thương cho cộng đồng thành thị ở khu vực Châu Á; những tác động do thiên tai gây ra; xác định những nhiệm vụ, vấn đề chính cần phải giải quyết để xây dựng cộng đồng an toàn ở khu vực thành thị, từ đó xem xét kế hoạch hành động của Hiệp Hội Chữ Thập đỏ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các hoạt động cần phải thực hiện để xây dựng được cộng đồng an toàn ở khu vực thành thị như nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức các cuộc diễn tập tại cộng đồng; quy hoạch đô thị phù hợp; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai v.v.
Tiếp theo đó, những yếu tố gây ra tình trạng dễ bị tổn thương cho cộng đồng ở thành thị khu vực Châu Á được xác định là do: vị trí nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai; tác động của biến đổi khí hậu, công tác nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro thiên tai cho người dân ở khu vực thành thị chưa được chú trọng; sự đông dân cư; sự nhập cư từ nông thôn lên thành thị; sử dụng đất, tăng trưởng đô thị không bền vững; quy hoạch đô thị chưa hợp lý; chưa có tiêu chuẩn xây dựng rõ ràng; cơ sở hạ tầng không đảm bảo; giao thông ách tắc; chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài; v.v.
Khi thảm hoa xảy ra, khu vực thành thị phải đối mặt với những tổn thất nặng nề về kinh tế; sinh kế gặp khó khăn do gián đoạn các hoạt động kinh doanh, buôn bán; chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa bị gián đoạn; thất nghiệp; giá thành sản phẩm và dịch vụ tăng cao gây bất ổn trong đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội; hệ thống cấp thoát nước bị phá hủy; giao thông đình trệ; tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải không được thu gom, xử lý khi thiên tai xảy ra v.v. Bài học kinh nghiệm của Thái Lan khi khắc phục hậu quả do trận lũ lụt khủng khiếp năm 2011gây ra là một ví dụ điển hình cho rủi ro ở khu vực thành thị gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Các đại biểu đến từ các quốc gia, các tổ chức khác nhau cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng cộng đồng an toàn ở khu vực thành thị. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng cộng đồng an toàn ở thành thị sẽ trở nên dễ dàng và hệ thống hơn khi lồng ghép vào chương trình quốc gia về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Các đại biểu cũng thảo luận để xác định những khó khăn, thách thức, lỗ hổng trong việc xây dựng cộng đồng an toàn ở thành thị. Cuối cùng, Hội thảo thống nhất đưa ra bốn vấn đề chính cần phải giải quyết là:
§ Bối cảnh đô thị: xác định cộng đồng dễ bị tổn thương; xác định các bên liên quan; thay đổi phương pháp tiếp cận hoặc thích ứng với các công cụ sẵn có; chiến lược về truyền thông;
§ Đối tác: phối hợp với Chính phủ cấp trung ương và địa phương; hợp tác công tư giữa Chính phủ và tư nhân; xây dựng mạng lưới hợp tác, chia sẻ thông tin;
§ Vận động chính sách: xác định vai trò, tầm ảnh hưởng của Hiệp Hội Chữ thập đỏ; các quyết định được ban hành; tiếng nói của cộng đồng;
§ Huy động nguồn lực: các bên liên quan; mạng lưới; tạo môi trường phát sinh khả năng; phát triển bền vững;
Sau khi xác định được những vấn đề chính cần phải giải quyết như trên, các đại biểu đã thảo luận để đưa ra những ý kiến đóng góp để từng bước giải quyết các vấn đề nhằm xây dựng cộng đồng an toàn ở khu vực thành thị như tạo ra mạng lưới hợp tác, tạo ra diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thường xuyên; lồng ghép các công cụ sẵn có vào các dự án xây dựng cộng đồng an toàn ở khu vực thành thị; thực hiện các nghiên cứu điển hình v.v.