Chúng tôi cùng các đồng chí trong ban lãnh đạo xã Hương Giang đi thăm một số công trình giao thông, thủy lợi của địa phương khi mùa mưa lũ đang cận kề. Khỏi phải tìm hiểu nhiều, cũng dễ dàng cảm nhận được nét lo âu hiện rõ trên khuôn mặt và lời nói của các anh khi hầu hết các công trình xung yếu trong mùa mưa lũ đều đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Trong đó, có một số công trình giao thông huyết mạch bị trận lũ kép 2010 cuốn trôi, hiện vẫn đang giữ nguyên trạng.
Cây cầu Maka bắc qua sông Khe Làng sau hơn 1 năm tạm ngừng “trọng trách”
Theo ông Phan Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Hương Giang, sở dĩ các công trình bị hỏng chưa được sửa chữa, khắc phục sau gần một năm qua, là vì có mức đầu tư quá lớn, ngoài khả năng về kinh phí của địa phương; thứ nữa là hàng năm, sau mỗi mùa mưa lũ, xã đều phải tự sửa chữa, gia cố các công trình bị thiệt hại. Ngoài huy động công sức và tiền của của nhân dân để đào đắp, nâng cấp các tuyến đường bị sạt lở, xã phải trích một nguồn kinh phí không nhỏ để sửa chữa, làm tạm các công trình như cầu, cống nhưng may chỉ được 1 năm là lại đổ sông đổ biển vì bão lũ, gây lãng phí rất lớn.
Vì vậy, mặc dù rất khó khăn trong việc đi lại và sản xuất của nhân dân, nhưng chủ trương của địa phương là, hạn chế các biện pháp tình thế như làm cầu tạm, đắp đất mặt đường để tập trung nguồn kinh phí, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, tài trợ của các cấp, ngành, tổ chức từng bước kiên cố hóa các công trình đủ tiêu chuẩn sống chung với lũ.
Hương Giang là một trong những địa phương của Hương Khê có địa hình phức tạp; độ dốc lớn, hệ thống khe suối chằng chịt với trên 50 chiếc cầu lớn nhỏ. Trong đó chỉ có 10 cầu được làm bằng bê tông khá kiên cố, còn lại, 10 cầu với tổng chiều dài trên 400 mét đều đang làm tạm bằng gỗ, nhiều cầu được giằng néo hết sức tạm bợ, có thể dễ dàng bị cuốn trôi trước những trận lũ với cường độ trung bình.
Toàn xã có 7 công trình thủy lợi, trong đó có 2 công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý, còn lại do xã tự xây dựng, gia cố và bảo quản, chủ yếu bằng đất, hàng năm đều bị lũ lụt gây xói lở hoặc bồi lắng, phải tiến hành sửa chữa, khôi phục. Hệ thống điện có 10 km đường dây 04 KV, trong đó có 4 km tạm bợ, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Mùa lũ 2010, đặc biệt là trận lũ kép lịch sử đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương. 7 chiếc cầu bị cuốn trôi, trong đó có 2 cầu bê tông khá vững chắc; các con đập lớn bị xói lở hàng ngàn m3 đất; hệ thống kênh mương thủy lợi hầu hết bị xói lở và bồi lắng; hàng trăm mét bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào khu dân cư; hệ thống đường giao thông nông thôn bị hư hại nghiêm trọng…
Bãi tràn đập Họ Võ, nỗi lo thường trực của hàng trăm hộ dân dọc hai bên bờ sông.
Một trong những công trình xung yếu nhất bị xóa sổ, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, đó là cầu Maka thuộc xóm 6, bắc qua sông Khe Làng, cây cầu bê tông có chiều dài trên 30 mét được xây dựng khá kiên cố đã bị cuốn trôi trong trận lũ 2010, đến nay vẫn chưa có kinh phí để xây dựng lại. Những ngày nắng ráo, hàng trăm học sinh và nhân dân các xóm ở hai bên cầu phải đi lại dưới lòng sông. Chưa nói đến lũ lụt, chỉ cần một trận mưa lớn, mọi hoạt động giao thương ở đây sẽ hoàn toàn bị đình trệ.
Ông Lê Xuân Hạnh, Xóm trưởng xóm 6 nói: “Từ khi cây cầu bị trôi mất, đời sống bà con chúng tôi bị đảo lộn, đặc biệt là những khi trời mưa. Mùa mưa lũ đến nơi rồi, nhìn những cột cầu chỏng chơ giữa lòng sông, xót ruột lắm! Ruộng đồng hầu hết ở bên kia sông. Nếu lũ lụt kéo dài thì biết làm gì để ăn. Rồi việc học hành của các cháu nữa. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cấp ngành quan tâm giúp đỡ làm lại cây cầu cho bà con”.
Cũng trên chính con sông này, tình trạng sạt lở cũng đã đến mức đáng lo ngại. Công trình đập Họ Võ có sức chứa hàng triệu m3 nước là nỗi lo âu lớn nhất của hàng trăm hộ dân ở vùng Hạ nguồn Sông Khe Làng trong mùa mưa lũ. Như đã thành thông lệ, cứ mỗi khi có mưa lớn kéo dài, hàng chục người dân đội mưa túc trực trên thân đập để quan sát mực nước dâng và báo động cho bà con kịp thời sơ tán.
Riêng với sức công phá của bãi tràn đập Họ Võ, qua nhiều năm đã khoét đất đai, vườn tược của những hộ dân 2 bên bờ Khe Làng sâu vào hàng chục mét. Nhiều nhà dân đã phải lùi một vài lần để tránh sạt lở nhưng hiện cũng chưa hẳn yên tâm.
Ông Lê Đình Liên: “Mong sao có tuyến kè để chúng tôi khỏi lo mất đất, mất nhà mỗi khi lũ đến”.
Ông Lê Đình Liên ở xóm 7, một trong những hộ dân sống kề cận với bãi tràn đập Họ võ cho biết: “Chỉ trong vòng dăm bảy năm lại nay, nước lũ đã ăn mất của vườn nhà gần 40 mét chiều sâu. Chúng tôi đã một lần phải chuyển nhà để tránh lũ, nhưng hình như càng ngày tốc độ sạt lở lại càng nhanh hơn. Mong rằng, các cấp, ngành quan tâm xây giúp cho tuyến kè bê tông để bà con chúng tôi được yên tâm, khỏi lo mất đất, mất nhà mỗi khi mưa lũ đến”.
Trong khi đang chờ đợi sự giúp sức từ bên ngoài, Hương Giang đang nỗ lực với những giải pháp thiết thực để chủ động đối phó và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.
Ngay từ những tháng đầu năm, xã đã lập phương án phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai với mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, trước tiên là đảm bảo an toàn các công trình trọng điểm và đã có một số phương án xử lý tình huống ở các nút công trình hiện đang bị hư hỏng chưa kịp khắc phục. Đảm bảo lực lượng, phương tiện và các yếu tố cần thiết tham gia và thực hiện thành công cuộc diễn tập phòng chống bão lụt do huyện tổ chức. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của nhân dân trong cảnh giác và đối phó với thiên tai…
Sự nỗ lực cao độ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hương Giang trong việc đối phó với thiên tai là rất đáng ghi nhận. Song theo chúng tôi, với một địa phương miền núi xa xôi, phải chịu nhiều thiệt thòi như Hương Giang, rất cần một sự quan tâm, ưu ái đặc biệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội để hàng năm địa phương giảm bớt được nỗi ám ảnh của thiên tai, lũ lụt, dành sức lực và trí tuệ của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống của nhân dân.