Chủ động từ xã
Bên căn nhà kiên cố đang xây dựng, anh Trần Văn Hùng, người dân xã Hải Dương chia sẻ: “Sống ở gần biển nên sợ nhất là mùa mưa bão, bởi vậy, nhà cửa phải xây chắc chắn mới yên tâm được”. Không như anh Hùng, gia đình chị Gái ở thôn 5 đã cẩn thận dự trữ gạo, củi, mắm muối... từ hồi giữa tháng 8. Chị Gái thành thật: “Lúc trước nhà nghèo nên tới mùa mưa bão trong nhà chẳng có chút gạo để ăn, phải vay mượn xóm giềng. Chừ cuộc sống “dễ thở” hơn nên phải dự phòng cái ăn chớ”.
Đưa hàng cứu trợ đến cho bà con ở vùng ngập sâu
Nằm ở địa bàn xung yếu, nơi đầu sóng ngọn gió nên Hải Dương là xã thường chịu ảnh hưởng của các trận bão hàng năm. Trước mùa bão lụt năm nay, chính quyền xã Hải Dương chủ động kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã, phân công cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng mảng và từng địa bàn thôn. Cả 6 thôn của Hải Dương đều thành lập mỗi thôn từ 2-3 tổ cứu hộ, chuẩn bị sẵn sàng 2-3 thuyền phục vụ công tác cứu hộ nếu có mưa bão. Anh Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho hay: “Để kịp thời ứng cứu khi có thiên tai, xã đã thành lập 3 đội xung kích ở 3 thôn ven biển, mỗi đội gồm 10 người. Các đội xung kích được Trung tâm Phát triển bền vững (SRD) hỗ trợ thuyền, phao cứu sinh và bảo hiểm tai nạn cho người cứu nạn nếu có rủi ro xảy ra. Đơn vị còn hợp đồng với các cửa hàng kinh doanh dự trữ 3 tấn gạo đảm bảo dự phòng lương thực cho người dân khi có thiên tai”.
Anh Liêm hồ hởi: “Không riêng các lực lượng chức năng chủ động, người dân địa phương cũng có ý thức cao trong việc chủ động phòng chống trước mùa mưa bão. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên khi có lệnh đa số bà con đều chấp hành việc sơ tán, chỉ có một trường hợp phải cưỡng chế trong năm 2010”.
Toàn huyện có 1.109 hộ, 4.449 khẩu cần sơ tán và 48 hộ (thuộc vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở) phải di dời. Lực lượng di dời được thành lập ở thôn, xã bao gồm dân quân, công an, chữ thập đỏ... theo quy mô từ 5-10 người/thôn, 10-20 người/xã, thị trấn. Ngoài việc tuyên truyền cho người dân trong việc dự trữ nhu yếu phẩm cần thiết, huyện Hương Trà cũng đã chuẩn bị dự trữ 20 tấn gạo, 2 tấn mì tôm, 2.700 lít xăng, 71 lít dầu, 1 chiếc ca nô thường trực... đảm bảo chủ động phục vụ cứu hộ, cứu trợ khi cần thiết. |
Đến cấp huyện
Với đặc thù của một huyện vừa có vùng đồng bằng, đồi núi vừa có cư dân ven biển, đầm phá, do đó, ngay từ đầu năm, BCH PCLB & TKCN huyện Hương Trà đã triển khai công tác phòng chống bão lụt với phương châm phòng tránh là chính, theo nguyên tắc “5 tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Cụ thể, huyện xây dựng các phương án di dời bảo vệ dân ở vùng xung yếu theo từng cấp báo động của lụt, bão nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, không để xảy ra tình trạng chết người do bất cẩn. Với các xã thấp trũng, như Hương Vinh, Hương Toàn, Hương Phong... thì có phương án di dời từ nơi thấp đến nơi cao tránh lũ lụt; riêng các xã gò đồi như Bình Điền, Hương Bình, xã ven biển Hải Dương... có phương án di dời tránh bão. Huyện còn tính đến phương án xấu nhất ở hai hồ Thọ Sơn, Khe Ngang và ở hai thuỷ điện Hương Điền và Bình Điền...
Đặc biệt, UBND huyện phối hợp với 2 chủ hồ và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) của 2 hồ thuỷ điện Bình Điền và Hương Điền trong công tác điều tiết, vận hành xã lũ bảo đảm an toàn hồ đập và tình hình ngập úng cho vùng hạ du. Anh Lê Văn Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hương Trà, Phó Ban chỉ đạo PCLB & TKCN huyện cho biết: “Bên cạnh việc chỉ đạo các xã xây dựng phương án “5 tại chỗ”, ứng trực 24/24 khi có mưa bão xảy ra, sắp tới huyện sẽ phối hợp với hai xã Hương Vinh và Hương Thọ kiểm tra tất cả các bến đò ngang trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho mùa mưa bão sắp đến; tổ chức phổ biến, tuyên truyền về PCLB trực tiếp đến tận cơ sở, từng hộ dân cư để chủ động chuẩn bị các biện pháp phòng tránh. Từ 15/9, các thành viên BCĐ trực tiếp về các xã kiểm tra công tác PCLB, trong đó, công tác di dời dân được huyện đặc biệt quan tâm”.