Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hồng Ngự diện tích lúa thu đông năm nay là 4.000ha, tăng 3.100ha, tập trung tại 6 xã, đến nay đã cơ bản xuống giống hoàn tất, các trà lúa được 25-30 ngày tuổi đang phát triển khá tốt, các giống lúa được nông dân sử dụng gieo trồng trong mùa vụ này là OM 4218, IR 50404. Nhằm đảm bảo việc ăn chắc vụ lúa thu đông năm nay, các ngành địa phương và UBND huyện nỗ lực trong công tác bảo vệ tuyến đê do mực nước lũ đang dâng cao (dự báo cao hơn 4,5m) cùng với lượng mưa bão kéo dài trong những ngày qua.
Chính quyền địa phương và nhân dân huyện Hồng Ngự bảo vệ đê bao, quyết tâm ăn chắc vụ lúa thu đông
Theo quan sát, hàng ngày mực nước đầu nguồn đều tăng khoảng 2cm, tuy nhiên huyện giữ quyết tâm đảm bảo ăn chắc vụ lúa thu đông. Ông Nguyễn Văn Mẫn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho hay: “Hiện tại, diện tích lúa thu đông tại các xã cù lao do đê bao kết hợp với giao thông nông thôn nên phần nào khá vững chắc. Riêng diện tích lúa nằm trong khu đê bao mới của 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2 có diện tích lớn và được xây hoàn tất cơ sở hạ tầng sẽ đảm bảo tốt công tác bảo vệ lúa trong mùa vụ. Ngoài ra, huyện đã phân công từng phần việc cụ thể đối với các ngành hữu quan của huyện và UBND các xã, người dân trong công tác bảo vệ đê góp phần thắng lợi trong vụ lúa thu đông”.
Tuy nhiên, trong những ngày qua một số vùng xung yếu của đê bao trên có dấu hiệu không an toàn do đê bao xây dựng còn mới nhưng huyện đã kịp thời chỉnh trang, sửa chữa, đến nay thì hầu hết công tác này đã ổn. Theo đó, huyện, xã còn cung cấp số điện thoại nóng để người dân thông báo sự cố của đê nhằm ứng phó kịp thời trong thời tiết diễn biến không ổn định và mực nước đang tăng cao. Ông Trần Văn Nghị - Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền cho biết: “Về phía xã, chúng tôi thành lập tổ canh gác túc trực 24/24, nhằm hạn chế thấp nhất các tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, kết hợp lực lượng của Hợp tác xã, dân quân tự vệ, đặc biệt là người dân để đảm bảo độ an toàn cần thiết trong công tác này. Trong những ngày qua, lượng nước mưa lớn nhưng không ảnh hưởng gì nhiều do được bố trí máy bơm để hút nước ra kịp thời”. Những nông dân có diện tích sản xuất trong khu đê bao, ban đầu cũng khá băn khoăn khi được dự báo nước lũ về nhiều nhưng sau khi đi khảo sát thực tế đê bao người dân đã phần nào yên tâm sản xuất lúa thu đông. Anh Phạm Văn Đẹp - xã Thường Thới Tiền có 10 công ruộng trong khu đê bao cho biết: “Công tác bảo vệ đê cho vụ lúa thu đông không phải riêng về phía huyện, xã mà người dân chúng tôi cũng phải ra sức bảo vệ. Thời gian qua, chúng tôi đã góp công gia cố đê bao và thông tin đến Ban chỉ đạo PCLB của huyện và các đơn vị hữu quan khi phát hiện những điểm khả nghi của đê. Ban đầu tôi cũng khá băn khoăn khi tham gia sản xuất vụ lúa thu đông do nước lũ dâng cao cùng một số điểm xung yếu của đê, nhưng hiện tại đê bao được xây dựng chắc chắn hơn nên tôi đã yên tâm sản xuất”.
Ngoài ra, huyện còn quan tâm đến việc di dời người dân đến nơi an toàn trước tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân chằng néo nhà cửa và tuyên truyền kiến thức thực tiễn để ứng phó với điều kiện mưa bão, giông lốc.