Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 06/CT-TTg về công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) năm 2012. Trong đó lưu ý UBND các tỉnh, thành phố bố trí thiết bị, phương tiện cứu nạn tại chỗ, vật tư và kinh phí dự phòng đến cấp huyện. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia TKCN, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCLB năm 2011, trên cơ sở đó xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2012 sát tình hình thực tế, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu. Lồng ghép phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào quy hoạch, dự án của ngành, địa phương. Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB các cấp. UBND các tỉnh, thành phố rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão trên địa bàn (kể cả khu vực thoát lũ ở hạ lưu hồ chứa), chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trường hợp chưa tổ chức tái định cư lâu dài, phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ"; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm tại vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ đến từng thôn, xã; bố trí thiết bị, phương tiện cứu nạn tại chỗ, vật tư và kinh phí dự phòng đến cấp huyện. Các tỉnh, thành phố có đê phải hoàn thành tu bổ, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê, kè trên địa bàn trước mùa mưa lũ; huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án phòng, chống lũ lụt, ngập úng, củng cố nâng cấp đê điều. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tập trung khắc phục các đoạn đê bao, bờ bao bị sạt lở, tràn vỡ trong mùa lũ năm 2011, tiếp tục điều chỉnh thời vụ để chủ động né tránh lũ, bảo vệ sản xuất. Các tỉnh, thành phố ven biển phải kiểm tra, rà soát công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tàu thuyền vận tải, du lịch theo phân cấp. Kiểm tra điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị bảo đảm an toàn trên các tàu thuyền trước khi ra biển, không để tàu thuyền không bảo đảm an toàn ra khơi; Các tỉnh miền núi, trung du triển khai các biện pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Trang bị phương tiện thông tin liên lạc, truyền tin tới các thôn, bản để phục vụ cảnh báo và triển khai TKCN khi xảy ra các tình huống khẩn cấp; Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư phải kiểm tra công tác chuẩn bị PCLB năm 2012 của các địa phương, đặc biệt là phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, dân cư, bố trí vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ". Các bộ ngành chức năng, theo nhiệm vụ tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của từng hồ chứa trước mùa mưa bão; chỉ đạo sửa chữa, xử lý sự cố để bảo đảm an toàn hồ chứa; chuẩn bị phương tiện, lực lượng bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai, lụt, bão; bố trí vật tư dự phòng ở những vùng trọng điểm để kịp thời ứng cứu và thay thế khi cầu, đường, bến cảng... bị hỏng do thiên tai. Xây dựng phương án phân luồng giao thông cho từng địa bàn cụ thể.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hiện đang có một khối không khí lạnh tràn xuống nước ta, gây ra hiện tượng sương mù và mưa nhỏ rải rác vào đêm và sáng ở các tỉnh Ðông Bắc Bộ và Thanh Hóa trong các ngày cuối tuần, nhiệt độ giảm 1-2oC. Trong khi đó áp thấp nóng phía tây vẫn hoạt động mạnh tạo nên hai kiểu thời tiết khác biệt giữa Tây Bắc Bộ và Ðông Bắc Bộ. Tây Bắc Bộ không mưa, ngày nắng, nhiệt độ cao, một số nơi thuộc tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu nắng nóng với nền nhiệt 30-32oC.
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn dự báo, từ tháng 3 đến đầu tháng 5, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần và ở mức tương đương hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ 12-25%, có nơi thấp hơn 40%. Trong thời gian này, ở Thanh Hóa, Nghệ An, bắc Tây Nguyên, Ninh Thuận và Bình Thuận có khả năng khô hạn và thiếu nước cục bộ. Từ tháng 5 đến tháng 8, dòng chảy trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận tiếp tục giảm và có khả năng thấp hơn TBNN cùng kỳ 15-40%; riêng các sông ở Quảng Nam ở mức xấp xỉ TBNN; cần đề phòng hạn hán trên diện rộng.
Tỉnh Hậu Giang đã xuất hiện các cơn mưa trái mùa gây ảnh hưởng khá lớn đến tình hình sản xuất và thu hoạch lúa đông xuân. Mưa trái mùa trong thời điểm đầu vụ thu hoạch cũng gây khó khăn rất lớn cho bà con trong việc phơi, sấy. Ðến nay, tỉnh đã thu hoạch 3.200 ha lúa đông xuân chính vụ, năng suất đạt 7,1 tấn/ha, cao hơn vụ trước ba tạ/ha. Dự kiến thời điểm thu hoạch rộ sẽ bắt đầu trong tháng 3 tới.
Theo Cục chăn nuôi, trước tình hình dịch cúm gia cầm đang có diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan trên diện rộng, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố cần tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí mua thuốc sát trùng; vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ môi trường, các trang trại, cơ sở chăn nuôi, các chợ, các điểm buôn bán, giết mổ chế biến gia súc, gia cầm. Thời điểm này số lượng lớn gia súc, gia cầm giảm do bị giết mổ nhiều trong dịp trước và sau Tết, đã làm thiếu hụt đầu con cộng với dịch bệnh gia súc, gia cầm đang lây lan, cho nên các tỉnh cần đẩy mạnh phòng chống dịch, kiểm soát nguồn giống, phát triển sản xuất, bảo đảm cung ứng cho thị trường, tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, sốt giá.
Dịch cúm gia cầm xảy ra tại xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện (Hải Dương) làm 4.038 con gia cầm mắc bệnh. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch; kiểm tra chặt chẽ việc quản lý, lưu thông vận chuyển, buôn bán gia cầm và thực hiện đợt khử trung tiêu độc vệ sinh môi trường trong toàn tỉnh cho tới ngày 15-3. Chi cục Thú y tỉnh cung cấp cho các huyện 9.000 kg thuốc sát trùng và chỉ đạo tiêm 200 nghìn liều vắc-xin cúm gia cầm tại xã Ngô Quyền và các xã giáp ranh.
Tỉnh Thanh Hóa có hơn 440 nghìn hộ chăn nuôi, từ tháng 1 dịch cúm gia cầm xuất hiện và phải tiêu hủy 2.400 con. Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêm 1,2 triệu liều vắc-xin, những vùng có gia cầm được tiêm đều không có gia cầm chết. UBND tỉnh đề nghị tiếp tục tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm còn lại.
UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các huyện biên giới kiểm tra, kiểm soát và kiểm dịch chặt chẽ các trường hợp vận chuyển động vật và sản phẩm động vật qua biên giới, kiên quyết tiêu huỷ đàn gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tỉnh cũng trích kinh phí mua 500 nghìn liều vắc-xin cúm gia cầm và từ ngày 27-2 đến 4-3 tỉnh tổ chức đợt tiêu độc, phun thuốc sát trùng tại các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, giết mỗ, chợ, nơi thường xuyên tập kết gia súc, gia cầm...
Khoảng 14 giờ chiều 24-2 đã xảy ra một vụ cháy rừng thuộc bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La. Lực lượng kiểm lâm thành phố Sơn La cùng với hơn 100 dân phòng và bà con bản Giảng Lắc đã được huy động đến điểm cháy để khoanh vùng, làm đường băng cản lửa. Ðến 17 giờ cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt. Có khoảng một ha rừng hỗn giao đã bị cháy.
Theo Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, 10 năm qua (2001 - 2011), trên các lâm phần của tỉnh đã xảy ra 78 vụ cháy, làm thiệt hại 6.241 ha rừng. Trước tình hình đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng Trạm khí tượng dự báo phòng cháy rừng tràm ở U Minh Thượng, thành lập các Ban chỉ huy PCCR từ tỉnh đến huyện, thị xã và xã có rừng, đất lâm nghiệp, với hơn 3.000 người, tuần tra, canh gác nghiêm ngặt 24/24 giờ ở những khu vực trọng điểm.
Hiện U Minh hạ (Cà Mau) có gần 34.000 ha đất lâm nghiệp; trong đó 8.000 ha rừng tràm đang ở giai đoạn dự báo cháy cấp II. Ban chỉ đạo PCCR huyện đang tổ chức các đoàn kiểm tra phương án phòng chống cháy rừng của các phân trường, tiểu khu và của các chủ rừng, xây dựng các đường băng cản lửa, 45 chòi canh lửa, đầu tư 55 máy bơm công suất 82 CV, với 7.000m vòi nước phục vụ chữa cháy.
Cứu nạn kịp thời chín ngư dân Bình Thuận trôi dạt trên biển Vũng Tàu.
Hồi 9 giờ ngày 24-2, tàu SAR 272 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Vungtau MRCC) đã đưa chín ngư dân của tỉnh Bình Thuận bị tai nạn trên biển vào bờ an toàn. Trước đó, khoảng 3 giờ 30 phút cùng ngày, tàu BTh 85545 TS đang đánh bắt hải bất ngờ va chạm với một tàu chở hàng khiến tàu bị phá nước và chìm ngay sau đó. Các ngư dân đã ôm phao, can nhựa, tấm ván nhảy ra khỏi tàu trôi dạt trên biển.