Xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang huy động lực lượng, phương tiện dọn dẹp tuyến đường bị ngập sâu.
Với phương châm "4 tại chỗ", khẩn cấp cứu người, cứu tài sản, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, các địa phương đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân di dời tài sản, sửa sang nhà cửa, dọn dẹp bùn đất sau lũ, thu hoạch hoa màu. Tại thành phố Hà Giang, với 39 điểm ngập úng, hàng nghìn hộ dân bị nước vào nhà, ngay trong chiều 10.6, khi nước bắt đầu rút, nhân dân đã tích cực vệ sinh nhà cửa, thu gom rác thải, dọn dẹp bùn, đất trên các tuyến phố, hỗ trợ sửa chữa các phương tiện giao thông bị ngập lụt. Chủ tịch UBND xã Phương Thiện, Lê Thái Hưng cho biết: "Xã Phương Thiện có tuyến đường bị ngập sâu kéo dài 600m, hai bên đường bị bùn đất vùi lấp khoảng 5 - 10cm, các phương tiện đi lại khó khăn. Từ sáng sớm 11.6, khi nước rút xuống hết, xã đã huy động nhân lực tích cực nạo vét bùn đất, khơi thông rãnh nước, dự kiến đến chiều cùng ngày sẽ dọn dẹp sạch sẽ toàn bộ tuyến đường, đảm bảo người và phương tiện đi lại thuận lợi".
Máy xúc được huy động để vệ sinh tuyến đường vào xã Phương Thiện
Giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang huy động trên 200 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 877, trên 300 cán bộ, chiến sỹ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ Ban CHQS thành phố giúp người dân phường Ngọc Hà, xã Phương Thiện, xã Ngọc Đường, Trường Mầm non Sơn Ca, Hoa Mai cứu hộ, cứu nạn, dọn vệ sinh, thu gom rác thải. Cùng với đó, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an đã dầm mình trong mưa bão, sử dụng các phương tiện như: Xe đặc chủng, xuồng máy, xuồng cao su cùng các phương tiện khác để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ tại các điểm ngập sâu trong thành phố; hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Người dân thôn Hát, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) dọn dẹp các tuyến đường bị nước lũ tràn qua.
Tại huyện Vị Xuyên, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ với hơn 170 ngôi nhà, 66 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, 7 cầu treo và nhiều tuyến đường bị hư hỏng, tổng thiệt hại trên 6 tỷ đồng. Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh cho biết: "Ngay khi có thiên tai, các đồng chí trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện trực tiếp xuống địa bàn nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo khắc phục hậu quả, hỗ trợ, sơ tán người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn; bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ có nhà bị sập và các hộ có nhà bị hư hỏng nặng; các lực lượng quân sự, dân quân tự vệ, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh đều tích cực giúp dân sửa chữa nhà ở, san gạt bùn đất, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, sửa chữa chuồng trại gia súc, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Các xã huy động phương tiện, máy móc, chủ động sửa chữa, khắc phục nhanh các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã bị sạt lở đất, đá đảm bảo giao thông đi lại, không bị chia cắt, cô lập. Tại các khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở căng biển cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo người dân; tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, thống kê thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời".
Với hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, ngành Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai ngay các biện pháp khắc phục sự cố giao thông, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hót dọn sạt lở ta luy dương, bùn đất tràn mặt đường, khơi thông hệ thống thoát nước, tại các vị trí tắc đường xử lý khắc phục đảm bảo thông xe trong thời gian nhanh nhất; bố trí nhân sự trực phân luồng giao thông, đặt rào chắn, biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở cao.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện tập trung khắc phục và chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn toàn tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, UBND các cấp tập trung lực lượng, khắc phục nhanh những thiệt hại; hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do mưa lớn; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói do mưa lũ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, lũ cuốn trôi, hộ ở vùng ngập sâu, sạt lở chia cắt, đảm bảo không để người dân bị đói; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. chủ động sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập để chủ động ứng phó với đợt mưa lũ có thể xảy ra tiếp theo, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh giúp người dân thành phố Hà Giang khắc phục hậu quả thiên tai