Xây dựng mô hình điểm và nhân rộng
Một trong những nội dung hoạt động giảm nghèo được Chương trình Chia sẻ tập trung là xây dựng các mô hình tạo thu nhập. Báo cáo của Ban quản lý dự án Chia sẻ huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, cho thấy, nhiều mô hình sản xuất tạo thu nhập của Dự án Chia sẻ đem lại hiệu quả, có khả năng nhân rộng, như mô hình trồng cỏ kết hợp với phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê; trồng thảo quả; trồng chè chất lượng cao; trồng mía… Bước đầu đã hình thành các nhóm hộ sản xuất, như mô hình nuôi lợn rừng tại km 17 xã Nậm Ty, mô hình sản xuất trà thương hiệu Phìn Hồ…
Điểm đáng lưu ý là, trong quá trình hỗ trợ xây dựng các mô hình, các cán bộ, chuyên gia đã hướng dẫn, hỗ trợ để các hộ dân họp và thống nhất phân thành các nhóm hộ nghèo, cận nghèo, trung bình, khá, trên cơ sở đó xác định nhu cầu đầu tư của các hộ này để có phương thức hỗ trợ phù hợp. Theo đó, không chỉ hỗ trợ hộ nghèo mô hình nuôi bò, nuôi dê, trâu…, mà còn hỗ trợ các hộ có điều kiện khá hơn để làm “hạt nhân” nhân rộng ra các hộ khác.
Từ bao đời nay, gia đình ông Lù Ngọc Thắng (thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) chỉ quen trồng lúa trên ruộng bậc thang. Năm 2010, được Chương trình Chia sẻ hỗ trợ 3.000 gốc mía để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập của gia đình ông đã tăng gấp ba lần.
“Mỗi gốc mía có trung bình 3 cây, mỗi cây bán trung bình 9.000 đồng. Có những dịp, tôi bán được 30.000- 40.000 đồng/cây. Trồng mía dễ lắm, mà chi phí bỏ ra cũng không nhiều, chỉ cần khoảng 1 triệu đồng tiền phân bón. Còn lại chỉ là công nhổ cỏ, tỉa bớt nhánh, vừa chăm mía, vừa có cỏ nuôi bò, một công đôi việc, rất nhẹ nhàng”, ông Thắng cười hỉ hả.
Từ thành công của mình, ông Thắng đã chuyển hơn 1.000 ngọn mía giống cho hai gia đình láng giềng. Đến nay, những ruộng mía của gia đình ông Thắng và hai hộ bên cạnh đều đã trổ nhánh xanh mướt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Phát huy kết quả này, Chi bộ thôn Quang Tiến đã giao ông Thắng nhân giống mía cho 12 hộ trong thôn. “Mình sẽ nhân rộng giống mía trong các hộ dân thuộc nhóm và ra cả các hộ khác nữa để ai cũng no”, ông Thắng phấn khởi nói.
Theo đánh giá của Ban quản lý Chương trình Chia sẻ tỉnh Hà Giang, các hoạt động sản xuất tạo thu nhập được nhân dân lựa chọn tuy chưa tạo đột phá kinh tế, song đã bước đầu có hiệu quả, nhờ phương thức hỗ trợ đồng bộ. Chẳng hạn, với việc hỗ trợ mua trâu, bò, trước khi được giải ngân, hộ được hỗ trợ phải có chuồng trại đảm bảo, kết hợp trồng cỏ, được tập huấn về kiến thức thú y phòng chống các loại bệnh cho gia súc. Kinh phí hỗ trợ mua trâu, bò không được chuyển trực tiếp để tự hộ được hỗ trợ đi mua, mà có cán bộ của Chương trình kết hợp với cán bộ địa phương cùng hộ dân lựa chọn trâu, bò và trả trực tiếp cho người bán. Vì vậy, đàn trâu bò do Chương trình Chia sẻ hỗ trợ rất ít khi bị dịch bệnh và chết rét.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, điểm nổi bật của Chương trình Chia sẻ là các công trình được người dân tham gia trong toàn bộ chu trình, từ lập kế hoạch, thực hiện, giám sát thực hiện và vận hành. Các hộ dân cùng thoả thuận quy chế duy tu, bảo dưỡng nhằm tạo sự bền vững cho các công trình khi đưa vào sử dụng.
Hầu hết các tuyến đường dân sinh đều do dân tự thi công, để họ vừa được hưởng lợi từ công trình, vừa có thêm thu nhập. Trong quá trình tổ chức thi công đã xuất hiện nhiều cách làm hay. Chẳng hạn, tại thôn Suối thầu 1 xã Bản Luốc, nhờ quản lý tốt vật liệu đầu vào và chấm công rõ ràng, nên sau khi công trình kết thúc, người dân đã họp và tự nguyện trích ngày công của mình để mua thêm xi măng thực hiện bê tông hoá mặt đường… Hay cách làm đổi công trong hoạt động xây bể nước ở thôn Thắng lợi, xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì và làm đường của người dân thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong, huyện Bắc Mê...
Điểm đặc biệt khác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án là đã không mất một khoản chi phí nào dành cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, vì vấn đề này luôn được các hộ bàn, thống nhất trước khi tiến hành thực hiện các hoạt động.
Hiệu quả của phân cấp - trao quyền
Theo Ban quản lý dự án Chia sẻ huyện Hoàng Su Phì , Dự án Chia sẻ đã góp phần cải thiện đời sống cộng đồng thôn, trong đó có các hộ nghèo. Người dân có chuyển biến về nhận thức, từ chỗ chỉ biết trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước đã chuyển sang chủ động trong tham gia lựa chọn, quyết định các hoạt động liên quan đến xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của địa phương mình, biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế gia đình mình.
Ông Nguyễn Bảo Cương, tư vấn của Công ty Orgut nhận định, với cách làm của Chương trình Chia sẻ, người dân được khuyến khích sự năng động, sáng tạo tự tìm cách thoát nghèo. Với cách tiếp cận từ dưới lên và phân cấp đầu tư, rót vốn xuống tận cấp xã, Chương trình Chia sẻ đã chứng minh, hiệu quả sử dụng đồng vốn tăng lên rất rõ rệt.
Thống kê của Ban quản lý Chương trình Chia sẻ tỉnh Hà Giang cũng cho thấy, số hộ nghèo trong vùng có Chương trình Chia sẻ giảm 54%, trong khi cùng chỉ tiêu này, vùng ngoài Chương trình Chia sẻ giảm 25%.
Được biết, với những hiệu quả đạt được từ Chương trình Chia sẻ, Hà Giang đang từng bước áp dụng cách thức tiếp cận, phương pháp thực hiện sang các huyện, xã khác và lồng ghép vào các chương trình khác trên địa bàn tỉnh, trong đó có Chương trình 135 giai đoạn II và Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững.
“Trang bị phương pháp tiếp cận mới
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang
Vốn ODA tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của Hà Giang, thể hiện rất rõ ở Chương trình Chia sẻ. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, Chương trình Chia sẻ còn có hiệu quả lớn trong nâng cao năng lực và trang bị phương pháp tiếp cận mới (phương pháp lập kế hoạch từ dưới lên, phân cấp, trao quyền).
Việc thể chế hóa, nhân rộng phương pháp này còn cần có thời gian và sự tham gia của nhiều cấp, ngành. Tuy nhiên, chúng tôi đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang tập hợp kết quả của Chương trình Chia sẻ, tổng hợp quy trình, phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã, tham mưu cho tỉnh để áp dụng cho một số xã và chương trình khác, do phương pháp này rất hiệu quả.
“Thay đổi nhận thức của người dân
Ông Bế Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình Chia sẻ tỉnh Hà Giang
Tham gia lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhận thức của người dân và cán bộ về cách giảm nghèo đã thay đổi rõ rệt. Người dân được tham gia nhiều hơn, chủ động hơn vào quá trình lập kế hoạch, thực hiện, quản lý.
Từ kinh nghiệm thực hiện Chương trình Chia sẻ, tôi cho rằng, nên lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo thành một chương trình giảm nghèo có tính tổng hợp như Chương trình Chia sẻ. Với phương thức này có thể vừa tránh được sự chồng chéo vừa tránh được việc phải thực hiện nhiều thủ tục trên một địa bàn do mỗi dự án, chương trình có các thủ tục, quy định khác nhau.