|
Học viên được chọn để đào tạo bao gồm những cán bộ đang công tác trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và những thành viên của các tổ chức của người khuyết tật hoặc làm việc vì người khuyết tật, như Trung tâm Phòng, tránh và Giảm nhẹ Thiên tai quốc gia (DMC), nhóm hỗ trợ kỹ thuật thuôc Đề án 1002 cấp tỉnh và huyện tại Quảng Trị và Quảng Ngãi, Cục Bảo trợ Xã Hội thuộc Bộ Lao đông, Thương binh và Xã Hội (MoLISA), DPO Quảng Trị và Hội Người mù tỉnh Quảng Ngãi. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động xây dựng năng lực cho các thành viên tham gia dự án “Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, được tài trợ bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế của Đức và Malteser International trong hơn hai năm tới. Dự án được thực hiện bởi DPO Quảng Trị, DMC và Malteser International có sự phối hợp của các cơ quan liên quan khác.
Trong suốt 5 ngày tập huấn, các học viên đã chia sẻ lẫn nhau những khái niệm liên quan đến quản lý rủi ro thiên tai có hòa nhập người khuyết tật như năng lực, tình trạng dễ bị tổn thương, rủi ro thiên tai, cấp độ thiên tai, khuyết tật, rào cản, giới và bình đẳng giới v.v. Bên cạnh đó, khóa tập huấn đã dành nhiều thời gian để học viên thực hành sử dụng các công cụ đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập các nhóm dễ bị tổn thương. Những công cụ này đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đề nghị và hướng dẫn sử dụng trong khuôn khổ Đề án 1002. Tuy nhiên, nhiều cán bộ thuộc nhóm hỗ trợ kỹ thuật các cấp vẫn chưa sử dụng thành thạo. Những trở ngại trong việc áp dụng các công cụ đã được thảo luận giữa học viên, các tập huấn viên của Malteser International và cơ quan phụ trách Đề án 1002 (DMC) để đưa ra những giải pháp phù hợp. Ngoài ra, qua những hoạt động của lớp học, những học viên đến từ các DPO, các tổ chức làm việc vì người khuyết tật đã chia sẻ những khó khăn và nhu cầu của người khuyết tật trong thiên tai đến các cán bộ công tác trong lĩnh vực giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Không chỉ cuối khóa, các học viên đã cùng nhau đánh giá khóa tập huấn vào cuối mỗi ngày. Các học viên cho rằng nội dung tập huấn phù hợp với công việc họ sẽ làm và phương pháp tập huấn giúp họ tham gia vào khóa tập huấn hiệu quả . Ông Tạ Mạnh Hùng, học viên đến từ Phòng Hỗ trợ Đột xuất thuộc Cục bảo trợ xã hội - MoLISA, cho biết: “Giờ tôi đã biết được cách thực hiện một khóa tập huấn và hướng dẫn người tham gia sử dụng các công cụ đánh giá. Các nội dung tập huấn rất cụ thể. Cuối mỗi nội dung chúng tôi đều được thảo luận chúng tôi sẽ gặp những khó khăn gì khi tập huấn lại cho cán bộ cấp tỉnh/huyện và dự kiến các giải pháp. Việc này rất hữu ích cho học viên chúng tôi.”
Sau khóa này, các học viên sẽ được nâng cao thêm về kỹ năng tập huấn và xây dựng giáo án để có thể thực hiện các khóa tập huấn cho các thành viên của các tổ chức cấp tỉnh và huyện.