Mục tiêu của khóa đào tạo nhằm:
- Nâng cao nhận thức cho người tham gia về sự cần thiết lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa trong quá trình lập kế hoạch phát triển.
- Nâng cao năng lực cán bộ về cách lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa trong quá trình lập kế hoạch phát triển.
- Mang tới cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và trao đổi giữa các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Khóa học được chia thành hai phần chính:
- Phần 1: Mối liên hệ giữa thảm họa và phát triển.
- Phát triển bền vững là gì?
- Thảm họa là gì?
- Thế nào là rủi ro thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai?
- Quá trình đánh giá và xử lý rủi ro thiên tai.
- Giới thiệu khung quản lý rủi ro thảm họa ở Châu Á - Thái Bình Dương.
- Phần 2: Phương thức lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa trong quá trình lập kế hoạch phát triển.
- Khung lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa trong quá trình lập kế hoạch phát triển;
- Lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa vào quá trình xây dựng, chính sách;
- Lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa vào quá trình quy hoạch sử dụng đất;
- Lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội;
- Lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa vào quá trình sử dụng nguồn lực công cộng;
- Lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa vào các dự án phát triển;
Trong khóa học, các nước tham dự cũng có cơ hội chia sẻ thực tế lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thảm họa vào việc xây dựng các chính sách, quy hoạch sử dụng đất hay kinh nghiệm quản lý của các nước trong những thiên tai lớn gần đây.
Bà Siripin Tiprapatsakul - Cục chính sách quản lý thiên tai - Cục Ứng phó và giảm nhẹ thiên tai - Bộ nội vụ Thái Lan đã có bài trình bày, giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm quản lý, ứng phó với trận lụt năm 2011 tại Thái Lan. Trong bài trình bày của mình, bà cũng chỉ ra nguyên nhân chính gây ra trận thảm họa này là do dự báo từ tháng 3, khi hầu hết các hồ chứa lớn đều tích trữ hết năng lực thì gặp cơn lũ kép: Nok Ten và Hai Tang. Trận lũ đã gây thiệt hại lớn cho 13 triệu người ở 4 vùng, 815 người chết, 400 nghìn người mất việc và giảm tốc độ tăng trưởng GDP từ 3.8% xuống còn 1.5%. Trung tâm điều hành ứng phó lũ lụt (FROC) tham gia điều hành, ứng phó với tình trạng khẩn cấp này bao gồm thành viên là các Bộ khoa học và công nghệ, Bộ giao thông, Bộ công an. Ngay sau đó là cuộc hội thảo vào tháng 10.2011 nhằm đẩy nhanh tốc độ tái thiết và tăng cường giúp đỡ nạn nhân sau trận lụt.
Ông Japchu - Cục quản lý thiên tai - Chính phủ Hoàng gia Bhutan đã chia sẻ việc lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào quy trình lập chính sách tại Bhutan. Lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào quá trình phát triển là vấn đề mới ở Bhutan. Do đó, Bhutan có một số hoạt động nhằm phổ biến và thúc đẩy quá trình lồng ghép: Tổ chức một số hội thảo quốc gia cho các cán bộ lập quy hoạch và cán bộ lập chính sách; Tổ chức các cuộc gặp cấp cao của các Bộ trưởng, cơ quan; Các cuộc tư vấn trực tiếp và ủng hộ của các bên liên quan. Những hoạt động trên đã đạt được thành công lớn như: Quy trình lập chính sách đã có lồng ghép các vấn đề liên ngành; Thủ tướng chính phủ hỗ trợ việc lồng ghép các vấn đề liên ngành; Phương thức lập chính sách sửa đổi đã coi quản lý rủi ro thiên tai là một trong những vấn đề bắt buộc trong các báo cáo về chính sách.
Bà Phyu Lai Lai Tun - phó giám đốc Bộ cứu trợ và tái định cư - Cộng hòa liên bang Myanmar cho biết Myanmar đã gắn việc "lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào quá trình phát triển" vào một cấu phần khi xây dựng "Kế hoạch hành động trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2012" của Myanmar.
Bangladesh cũng đã lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào quy hoạch sử dụng đất, bà Farzana Samiruddin - Phó giám đốc Quy hoạch cơ sở - Tổng cục phát triển đô thị - Bộ nhà ở và việc công - Cộng hòa nhân dân Bangladesh cho biết thêm. Toàn bộ quy trình lập kế hoạch quy hoạch đất đều có sự lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai: Bản đồ sử dụng đất có tính đến các rủi ro được lồng ghép trong báo cáo lần thứ 1. Bản đồ rủi ro được phân tích trong các báo cáo giữa kỳ và tổng kết trong báo cáo cuối cùng.
Qua khóa học, các nước đã có cơ hội cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào quá trình quy hoạch, lập kế hoạch phát triển của mỗi nước.