Mọi chuyện sẽ không ai hay biết nếu như UBND huyện Tân Hiệp không gửi tờ trình xin chủ trương UBND tỉnh chấp thuận để huyện trích ngân sách hỗ trợ nhà thầu khắc phục hậu quả. Do đây là công trình xây dựng chưa bàn giao, nên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa đã chỉ đạo thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra lại chất lượng công trình, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định hướng xử lý.
Nhà không đảm bảo chất lượng
Vượt hơn 7 km từ thị trấn trung tâm của huyện Tân Hiệp, chúng tôi tìm đến hiện trường vụ sập nhà. Dọc theo tuyến kênh Đòn Dông dài 6 km, một bên là đường giao thông nông thôn nền đất rải đá dăm, phía bên kia là bờ kênh được đắp lên cao tạo thành tuyến đê bao ngăn lũ, đồng thời cũng là vị trí xây dựng 360 căn nhà vượt lũ cho các hộ dân nghèo chưa có nhà ở trong vùng.
Những căn nhà sập đổ hoàn toàn và bay hết mái, chỉ còn trơ nền gạch |
Ông Lê Văn Út, ngụ tổ 19 cụm dân cư vượt lũ ấp Tân Hoà A (xã Tân An, cách vị trí hàng chục căn nhà đổ sập, tốc mái chỉ vài trăm mét) chia sẻ: “Gia đình tôi bên xã Tân Hiệp B, chuyển vô cụm sinh sống đã hơn 5 năm nay. Khu vực nhà tôi ở là khu sinh lợi, nhà nước bán nền giá cao hơn bên ngoài (chỗ nhà sập – P/V) cho người dân mua về tự cất hoặc gia cố, hoàn thiện thêm để ở lâu dài, vậy mà có gió lớn là nhà cũng rung rinh, mái tôn nhốm đinh kêu răng rắc. Còn ra giữa đồng mà làm nhà kiểu đó thì nói thiệt là có cho không tôi cũng không dám vô ở. Tôi không biết nhà nước đầu tư bao nhiêu một căn, nhưng vách tường xây bằng gạch mà xô mạnh tay một chút là nhúc nhích muốn sập. Những ngày mưa gió nhiều, mấy ông lùa vịt chạy đồng thà che lều ngoài bờ kênh chứ không dám vô nhà vượt lũ trú tạm vì sợ bị nhà sập đè chết”.
Ông Nguyễn Thành Hiển – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Tân Hiệp cho biết, dự án xây dựng tuyến dân cư vượt lũ kênh Đòn Dông từ kênh 3 tới kênh zero thuộc giai đoạn 2 của dự án xây dựng cụm – tuyến dân cư vượt lũ huyện Tân Hiệp. Toàn bộ dự án có 360 căn nhà xây dựng dọc theo bờ kênh qua địa bàn 3 xã Tân An, Tân Hiệp B và Tân Hoà. Hiện nay đã lắp dựng hoàn chỉnh 300 căn, nhưng chưa tiến hành nghiệm thu, bàn giao vì còn chờ các xã chốt danh sách hộ dân vào ở. Theo ông Hiển, việc bàn giao nhà cho dân sẽ tiến hành cùng lúc với nghiệm thu công trình với cả 3 bên, là Ban quản lý, nhà thầu thi công và các hộ dân. Do chưa nghiệm thu nên mọi thiệt hại đều do nhà thầu gánh chịu. Dự án này được giao cho doanh nghiệp tư nhân Ba Sẵn (đăng ký kinh doanh tại huyện Giồng Riềng) thi công.
Nói về chất lượng các căn nhà vượt lũ, ông Nguyễn Thành Hiển khẳng định không thể đảm bảo được, nguyên nhân chính do suất đầu tư quá thấp. Ông Hiển nói: “Đây là dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia do Chính phủ đầu tư. Năm 2002, mỗi căn nhà chỉ được đầu tư 7,5 triệu đồng, sau đó nâng dần lên 10 triệu, 15 triệu và hiện nay là 20 triệu đồng/căn. Khoản chi phí này chỉ được dự toán đến hết chi phí xây dựng công trình, còn lại 3 khâu rất quan trọng để đảm bảo chất lượng công trình là tư vấn thiết kế, giám sát thi công và bảo hiểm công trình là hoàn toàn không có. Việc nhà sập, tốc mái khi có gió lớn là khó tránh khỏi, do nhà lắp dựng thô chỉ có mái tôn và hai vách hông nên gió lùa qua sẽ khiến toàn bộ công trình bốc lên như một cánh buồm”.
Chính quyền địa phương không dám đưa dân vào ở
Do lo ngại chất lượng công trình không đảm bảo, nên mặc dù đã lập danh sách và gửi lên huyện từ 2 tháng trước (trong khi Ban quản lý dự án huyện khẳng định các xã vẫn chưa lập xong danh sách), nhưng đến nay UBND xã Tân Hoà vẫn không dám đưa dân vào các căn nhà vượt lũ. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Khanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Tân Hoà chia sẻ: “Xã Tân Hoà được phân bổ chỉ tiêu 85 căn nhà thuộc giai đoạn 2 dự án xây dựng tuyến dân cư vượt lũ huyện Tân Hiệp. Chưa dám đưa dân vào ở thì 15 căn đã bị sập hoàn toàn, 7 căn tốc mái 100% và 8 căn tốc mái phân nửa. Cách đây hơn 6 tháng, huyện cũng đã giao cho xã 14 căn nhà vượt lũ, cả 14 căn đều sập đổ hết, may mắn là chưa có người ở nên không có ai bị thương vong".
Ông Nguyễn Hồng Khanh cũng cho biết: "Tại các cuộc làm việc với lãnh đạo huyện, chính quyền và người dân xã Tân Hoà đã nhiều lần kiến nghị về chất lượng công trình nhà vượt lũ, huyện cũng đã hứa sẽ chỉ đạo Ban quản lý dự án (đơn vị chủ đầu tư) kiểm tra, chấn chỉnh nhưng đến nay chưa thấy chuyển biến gì. Chất lượng nhà ở kiểu này thì xã kiên quyết không nghiệm thu đưa dân vào ở. Thậm chí khi nhà thầu gợi ý hỗ trợ vài triệu đồng nếu các hộ dân chịu nhận nhà thì xã cũng không chấp nhận, bởi nếu xảy ra tai nạn nhà sập đè chết dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây ? Chưa kể dân ở nhà vượt lũ vốn đã nghèo, gặp nhà kém chất lượng như vậy thì làm sao yên tâm sinh sống, làm ăn được?”.
Những bức tường và mái tôn mỏng manh của các căn nhà còn lại cũng đe dọa có thể đổ sập bất cứ lúc nào |
Theo chân tổ kiểm tra chất lượng công trình thuộc thanh tra Sở Xây dựng, chúng tôi tận mắt chứng kiến những viên gạch mềm tới mức có thể dễ dàng bẻ gãy bằng tay không. Những cây đà bê tông vừa làm xong đã cong oằn xuống trơ khung thép. Tôn thì mỏng tới mức khó tin, được gác lên mái nhà bằng các thanh đòn tay làm bằng gỗ tạp rẻ tiền.
Ông Lê Văn Út, ngụ tổ 19 cho biết thêm: “Tụi tui rảnh rỗi có qua xem công nhân xây dựng nên biết xây kiểu đó chỉ chừng chục triệu đồng mỗi căn. Cột người ta xài 4 cây sắt để đổ, ở đây chỉ xài 3. Một bao xi măng thì thường chỉ trộn 8 thùng cát (loại 30 lít), ở đây trộn tới 10 thùng thì làm sao mà chắc được. Cùng là nhà vượt lũ, nhưng nhà tui đang ở trước đây do công ty Viconaxx (tỉnh An Giang) làm thầu xây dựng, chỉ 16 triệu đồng/căn nhưng vẫn chắc chắn, ở hơn 5 năm nay chưa hư hỏng gì, còn nhà này 20 triệu mà gió thổi mạnh là sập mấy chục cái”.
Lãnh đạo huyện Tân Hiệp: Sẽ kiểm tra và xử lý kiên quyết nếu có sai phạm
Tìm cách liên hệ với ông Ba Sẵn – chủ thầu dự án thì ông này cho biết mình đang đi trị bệnh. Nhiều lần liên hệ trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Tân Hiệp nhưng đều bị từ chối với lý do bận công tác, bận họp. Cuối cùng, chúng tôi cũng được Bí thư Huyện uỷ Tân Hiệp Phan Văn Năm đồng ý tiếp xúc.
Ông Phan Văn Năm cho biết: “Sau khi nhận được thông tin báo nêu, tôi đã đi kiểm tra. Khi vào đến nơi thì tôi hết sức bất ngờ về chất lượng của các căn nhà, bản thân rất băn khoăn về chất lượng công trình sau khi kiểm tra thực tế. Trước mắt tôi yêu cầu UBND huyện ngưng ngay việc xây dựng kiểu này. Hai là kiểm tra làm rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Trước tiên là phải đảm bảo nhà chắc chắn, an toàn trước khi cho dân vào ở. Về phía tỉnh cũng đã cử đoàn xuống kiểm tra chất lượng. Huyện sẽ phối hợp với tỉnh để tìm hiểu nguyên nhân vì sao chất lượng như thế, nhà có đảm bảo giá trị của nó hay không. Quan điểm của huyện ủy là nếu có vi phạm sẽ kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn, dù người đó ở vị trí nào”.
Khi chúng tôi đề cập đến tờ trình của Ban chỉ đạo xây dựng cụm – tuyến dân cư vượt lũ huyện Tân Hiệp gửi UBND tỉnh để xin chủ trương hỗ trợ cho nhà thầu khắc phục hậu quả, ông Phan Văn Năm khẳng định: “Công trình này đến nay vẫn chưa bàn giao. Về quan điểm cá nhân tôi nghĩ khi chưa bàn giao nhà thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Nếu nhà thầu làm đảm bảo chất lượng mà do thiên tai thì có thể Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ. Còn nếu nhà xây dựng không đảm bảo chất lượng, thì không những không hỗ trợ mà còn xem xét trách nhiệm để xử lý nghiêm theo quy định”./.