Cây bị thiêu rụi sau vụ hỏa hoạn tại rừng Amazon, gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil.
Các nhà khoa học quốc tế cảnh báo rừng nhiệt đới Amazon - "lá phổi xanh" của Trái Đất, đang gần chạm ngưỡng có thể phải chứng kiến một trong những hệ sinh thái lớn nhất và phong phú nhất thế giới biến thành một xavan (thảm thực vật trảng cỏ) khô cằn trong vòng 50 năm tới.
Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Nature Communications số ra ngày 10/3, các chuyên gia lưu ý rằng không chỉ rừng Amazon bị tổn thương mà một hệ sinh thái lớn khác là các rạn san hô Caribe cũng có thể "chết dần chết mòn" chỉ trong vòng 15 năm nếu các nước không có những biện pháp phù hợp.
Giới khoa học cảnh báo hai trong số các trường hợp được gọi là "những biến đổi hệ thống" nói trên sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc đối với nhân loại và các loài khác trên thế giới cùng chia sẻ môi trường sống với con người.
Tình trạng Trái Đất ấm lên, môi trường bị hủy hoại (cháy rừng và phá rừng đối với Amazon, ô nhiễm và axit hóa các rạn san hô) là những nguyên nhân được tính đến hàng đầu.
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cảnh báo nền nhiệt trung bình của Trái Đất tăng lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ dẫn tới việc "xóa sổ" 90% các rạn san hô nước nông trên thế giới.
Trong trường hợp mức tăng là 2 độ C, con số này gần chạm ngưỡng 100%. Một thực trạng đáng báo động đó là bề mặt Trái Đất đang ấm lên hơn 1 độ C.
Cho dù hiện chưa rõ về ngưỡng nhiệt độ đỉnh điểm tác động tới rừng Amazon, nhưng các nhà khoa học ước tính 35% diện tích "lá phổi xanh" có nguy cơ biến mất.
Rừng Amazon trải dài trên lãnh thổ của bảy quốc gia với tổng diện tích hơn 5 triệu km2. Tuy nhiên, kể từ năm 1970, khoảng 20% diện tích của khu rừng lớn nhất thế giới này bị phá bỏ, "nhường chỗ" cho các hoạt động khai thác gỗ, sản xuất đậu tương, dầu cọ, nhiên liệu sinh học và chăn nuôi bò.
Trưởng nhóm nghiên cứu Simon Willcock, giảng viên Trường Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Bangor, cho rằng "nhân loại cần chuẩn bị cho những thay đổi xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với dự báo." Các đợt cháy rừng ngoài tầm kiểm soát gần đây tại Amazon và Australia cho thấy rất nhiều hệ sinh thái "đang bên bờ vực này."
Trước thực trạng đáng lo ngại này, Giám đốc Khoa học Alexandre Antonelli tại Vườn Bách thảo Hoàng gia ở quận Kew (London, Anh) cho rằng nếu không hành động khẩn cấp ngay bây giờ, nhân loại có thể sẽ không còn khu rừng nhiệt đới lớn nhất và đa dạng sinh học bậc nhất thế giới. Rừng Amazon phải mất tới ít nhất 58 triệu năm hình thành và phát triển, đồng thời là sinh kế cho hàng chục triệu người.
Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng các khu rừng nhiệt đới trên thế giới đang nhanh chóng mất đi khả năng hấp thu khí CO2 thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên, với việc Amazon đang bước vào "chu trình ngược" từ "thu nạp khí CO2" sang thành "nguồn nhả khí" thải độc hại này.
Các cánh rừng trên toàn cầu - đặc biệt là rừng nhiệt đới - hấp thu từ 25-30% lượng CO2 con người thải ra ngoài bầu không khí từ các hoạt động sản xuất, khai thác và sinh hoạt thường ngày.
Trong khi các đại dương hấp thụ được từ 20-25% lượng khí thải này. Tán rừng với mật độ che phủ dày đặc của Amazon - lớn nhất thế giới, cũng hấp thu một lượng lớn carbon xấp xỉ 10 lần so với lượng khí thải phát thải mỗi năm.
Giới chuyên gia nhận định các phát hiện mới này là những lời nhắc nhở bổ sung rằng hệ sinh thái Amazon đang đứng trước nguy cơ biến đổi trầm trọng trong khoảng một vài thập kỷ tới.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích các biến đổi tương tự như trên đối với hơn 40 môi trường tự nhiên trên mặt đất và dưới nước, từ các ao hồ nhỏ cho tới Biển Đen rộng lớn. Một trong số này là khu vực Sahel tại châu Phi. Nơi đây đã biến đổi từ cảnh quan rừng thành sa mạc, dù sự biến đổi này xảy ra trong một khoảng thời gian dài hơn.
Họ cảnh báo các hệ sinh thái lớn đang thay đổi nhanh hơn những gì con người có thể dự báo và nếu không hành động khẩn cấp, tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn./.