Tham dự buổi lễ có bà Đoàn Tuyết Nga – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó giám đốc dự án GCF; GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng trường đại học Thủy Lợi; Bà Sitara Syed - Phó Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam. Đặc biệt là sự có mặt của các giảng viên, học viên tham gia khóa học.
Toàn cảnh lễ Bế mạc Khóa học
Khóa học đầu tiên về củng cố năng lực cho đội ngũ giảng viên cấp trung ương về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được tổ chức tại Trường Đại học Thủy lợi với 28 học viên. Trong quá trình đào tạo, Nhà trường đã mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai của các Vụ, Trung tâm của Tổng cục Phòng chống thiên tai tham gia giảng dạy như: ông Tăng Quốc Chính - Vụ trưởng Vụ kiểm soát an toàn thiên tai, ông Nguyễn Viết Tiến – Vụ trưởng Vụ pháp chế thanh tra, ông Bùi Quang Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật PCTT.
Với mục tiêu đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ, có khả năng thực hiện các khóa đào tạo ở cấp trung ương, tỉnh, huyện và xã về quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo quốc gia ở tất cả các cấp, Tổng cục PCTT đã phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc xây dựng chương trình giảng dạy tiêu chuẩn về phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng trên toàn quốc, tổ chức khóa đào tạo nâng cao cho các giảng viên quốc gia hiện tại về quản lý rủi ro thiên tai; trang bị cho họ thêm kiến thức và kỹ năng về biến đổi khí hậu, phương pháp giảng dạy cho người lớn và hội nhập giới, tiến hành kiểm tra và cấp chứng chỉ cho các giảng viên đủ điều kiện.
Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng chống thiên tai
Phát biểu tại lễ bế giảng, bà Đoàn Tuyết Nga – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã cám ơn đến sự tận tâm của Trường Đại học Thủy lợi, của đội ngũ giảng viên đã hỗ trợ đào tạo khóa học đầu tiên, phù hợp với nội dung Đề án 1002 của Chính phủ về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Đồng thời, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong quá trình học tập của các học viên, đặc biệt là các học viên lớn tuổi.
Bà Nga cũng cho biết thêm, hiện, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã nhận được 3 lời đề nghị từ các địa phương là Lào Cai, Hà Giang và Tuyên Quang về việc phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý rủi ro thiên tai.
Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện UNDP
Phát biểu tại buổi lễ, bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện UNDP khẳng định: Các học viên từ khóa học này đã, đang và sẽ là nguồn lực quan trọng trong nỗ lực chung giúp người dân và cộng đồng Việt Nam an toàn hơn, ứng phó tốt hơn trước thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Sau khóa học thành công lần này, UNDP mong muốn được tiếp tục phối hợp với Tổng cục PCTT và trường Đại học Thủy Lợi trong quá trình tổ chức khóa học thứ hai là Khóa B- hay “Khóa cơ bản” trong một vài tháng tới.
Hai khóa đào tạo sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển và chuyên nghiệp hóa các khóa đào tạo giảng viên, cũng như các khóa đào tạo cho cán bộ Tổng cục Phòng chống Thiên tai, của các bộ, các tỉnh, những người tham gia trực tiếp vào công tác phòng chống thiên tai.
GS TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu Trưởng trường Đại học Thủy Lợi
Theo GS. TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng trường Đại học Thủy Lợi, thiên tai và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, vì vậy, khóa học củng cố năng lực cho đội ngũ giảng viên cấp trung ương dưới sự hỗ trợ của UNDP dịp này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác phòng chống thiên tai.
Các Học viên nhận chứng chỉ tốt nghiệp và chụp hình lưu niệm cùng BTC và các Giảng viên
Trường Đại học Thủy Lợi đã cam kết hợp tác với Tổng cục Phòng chống Thiên tai và UNDP để tiếp tục theo đuổi ý tưởng xây dựng các khóa học nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên cấp Trung ương về QLRRTT trong tương lai. Hoạt động hợp tác này sẽ là một nội dung quan trọng cần được xem xét trong quá trình rà soát và đánh giá Kết quả thực hiện của Đề án 1002 do Tổng cục Phòng chống Thiên tai chủ trì với sự hỗ trợ của UNDP.