Trên khắp các địa phương ĐBSCL, sạt lở diễn ra khốc liệt và dồn dập. Toàn vùng có ít nhất 50 điểm sạt lở được ghi nhận từ đầu năm đến nay. Tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng đã khiến người dân sống ven sông luôn phập phồng lo lắng. Ảnh: Hiện trường một vụ sạt lở tại quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.
Không chỉ cuốn trôi nhà cửa, sạt lở còn ăn sâu vào đất liền, làm đứt đoạn nhiều tuyến giao thông, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Thanh Bi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, kể: "Nếu như trước đây, sạt lở chỉ diễn ra trong mùa mưa bão, giờ đã diễn ra cả trong mùa khô với mức độ khốc liệt chưa từng có. Bằng kinh nghiệm sống hơn 50 năm ở vùng thôn quê, ven sông nước, nhưng bây giờ tôi cũng không biết đường đâu mà lần". Ảnh: Một căn nhà bị sạt lở ven sông ở Đồng Tháp đang được phá bỏ, di dời.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, mỗi năm, người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần thêm 18 triệu m2 nhà ở. Nhu cầu lớn nên nhiều người liều mình cất nhà ven sông, rạch dù biết sạt lở có thể cuốn phăng tài sản, nhà cửa bất kỳ lúc nào. Chính quyền các địa phương cũng đang đau đầu vì tình trạng cất nhà ven sông đã trở thành tập quán của người dân. Đây là 1 trong 5 nguyên nhân chính gây sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có trên 1.000 hộ dân cần được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm của sạt lở. Tuy nhiên, do tập quán cất nhà và sinh sống ven sông, một số người dân sau đó lại quay về chỗ cũ, khiến chính quyền địa phương... “bó tay“.
Ông Nguyễn Văn Út, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ cho biết: Sau nhiều tháng nắng nóng, giờ đến mưa liên tục. Tưởng chừng như mát mẻ, hồi sinh cây cỏ ruộng đồng, ai dè dông lốc cũng ập đến, khiến ngôi nhà tôi bị tốc mái. "Thời tiết bây giờ cực đoan quá, mỗi năm, gần như đều xảy ra dông lốc ở khu vực này" - ông Út chia sẻ.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, chỉ trên địa bàn TP.Cần Thơ đã xảy ra 2 đợt lốc xoáy; 15 điểm sạt lở bờ sông; nhiều trận mưa lớn, kèm theo dông lốc, gây hư hại trên 200 căn nhà. Có 2 người bị sét đánh tử vong. Ước tổng thiệt hại trên 11,6 tỉ đồng. Ảnh: Một căn nhà bị hư hại do dông lốc trên địa bàn huyện Thới Lai vào ngày 30.5.
Trước diễn biến cực đoan của thời tiết, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ đạo đối với các tỉnh, thành khu vực Nam bộ, ĐBSCL cần nhanh chóng rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai tương ứng với các cấp độ rủi ro; có kế hoạch phòng, chống thiên tai cũng như phương án ứng phó với mưa lớn kèm lốc xoáy, sạt lở, bão mạnh và siêu bão... Tất cả phải lấy phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó, lấy phòng, tránh là chính”. Ảnh: Người dân và lực lượng chức năng đang hỗ trợ di dời một căn nhà bị sập do dông lốc.