|
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Cùng với đó, do cơn mưa xảy ra đúng vào giờ cao điểm buổi sáng nên cũng ảnh hưởng việc đi lại của người dân, nhiều tuyến đường bị ùn tắc cục bộ nhiều giờ.
Một trong những tuyến đường ngập khá nặng là Nguyễn Hữu Cảnh, thuộc phường 22, quận Bình Thạnh, có đoạn ngập sâu tới 0,5 m. Nhiều người dân đi qua đây cho biết, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh vốn có cốt nền khá thấp nên tuy lượng mưa nhỏ nhưng không thoát được dẫn đến ngập kéo dài và khá sâu.
Do đường ngập nên các phương tiện lưu thông qua đây rất khó khăn, nhiều xe máy đã chết máy phải xuống dắt bộ. Tương tự, một số tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Võ Văn Ngân (Thủ Đức), Phạm Thế Hiển (quận 8)… cũng bị ngập nhẹ. Do mưa xảy ra vào thời gian cao điểm, nhiều tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm thành phố như Trường Chinh, Cách Mạng Tháng 8, Quốc lộ 13, Xa lộ Hà Nội, Phạm Hùng… bị ùn tắc giao thông cục bộ, phương tiện đi chuyển rất khó khăn.
Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ: những ngày qua trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Nam bộ thường xuyên xuất hiện mưa trái mùa do ảnh hưởng của không khí lạnh phía Bắc, cộng với ảnh hưởng của áp thất nhiệt đới ở phía Nam biển Đông. Mưa trái mùa xuất hiện vào sáng sớm và chiều tối, cùng với đó vào các buổi sáng cũng xuất hiện hiện tượng sương mù nhẹ do độ ẩm không khí cao. Theo dự báo, trong những ngày tới thời tiết tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở khu vực Nam bộ tiếp tục có xuất hiện hiện tượng mưa trái mùa.
Tại Long An, từ ngày 19-22/2, mưa trái mùa làm cho hàng ngàn ha lúa đông xuân giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã, giảm năng suất. Tại huyện Tân Hưng có hơn 2.500 ha lúa ở các xã Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã.
Các xã vùng cao của huyện Vĩnh Hưng như Thái Bình Trung, Khánh Hưng, Thái Trị mưa không lớn nhưng kèm theo dông gió làm đỗ ngã hơn 1.600 ha lúa đang giai đoạn vàng lá. Huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh có gần 3.000 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã từ 40-50%.
Phòng nông nghiệp các huyện kể trên cho biết, diện tích lúa bị đổ ngã, năng suất sẽ giảm từ 7-10%, mặt khác đối với những diện tích lúa đổ ngã từ 40-50% chi phí thu hoạch tăng từ 1,3-1,4 triệu đồng/ha lên 2-2,4 triệu đồng/ha.
Hiện các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh đã thu hoạch được gần 4.000 ha, năng suất đạt 8-8,5 tấn/ha, với giá lúa hiện nay từ 4.500-6.100 đồng/kg lúa thường, 8.000-8.200 đồng/kg lúa thơm, nông dân lãi từ 30-45%.
Các huyện kể trên huy động hàng ngàn máy cắt, máy phóng, máy gặt đập liên hợp để hỗ trợ bà con thu hoạch kịp thời khi lúa chín, không chờ khi có thương lái đến mới thu hoạch, nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động, phương tiện trong khâu thu hoạch./.