Tại Thanh Hoá, mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền đã làm cho gần 200ha lúa mùa của người dân bị ngập, điển hình như các huyện Vĩnh Lộc (170ha), Thạch Thành, Lang Chánh. Đặc biệt, tại huyện Lang Chánh nhiều xã đã bị ngập hoàn toàn, nhiều hộ dân phải di dời.
Ngập lụt nghiêm trọng tại Lang Chánh (Thanh Hoá- Ảnh: Nguyễn Hải) |
Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại huyện Thường Xuân đã có 2 xã bị cô lập bơi mưa lớn kéo dài gây ngập, có 2 người dân chết vì bị nước cuốn trôi.
Tại huyện Lang Chánh, ông Lê Minh Hành, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hơn 100 hộ dân tại thị trấn Lang Chánh bị ngập, phải di sơ tán người, 3 nhà dân bị cuốn trôi, nhiều điểm bị sạt lở đất, gần tòan bộ diện tích hoa màu trên địa bàn huyện bị ngập. Hiện huyện đã huy động các lực lượng đến tại chỗ để cứu hộ dân di dời khỏi vùng nguy hiểm. Đây là trận lụt lịch sử trong suốt hơn 30 năm qua.
Lượng mưa đo được trong những ngày qua tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành đạt mức 138mm; xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân đạt 194mm; khu vực Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) đạt 193,5 mm, khu vực huyện Hà Trung cũng có lượng mưa lên tới 191,7mm.
Trong hai ngày 5 và 6/9, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa to và mưa rất to, gây ngập lụt ở nhiều nơi. Mưa lũ đã làm 1 người chết, hàng chục người bị thương. Quốc lộ 7A và 8A bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), mưa lớn đã làm ngập gần 400 nhà dân và 1.000 ha lúa, hoa màu. Trong đêm 5/9, có nhiều người dân bị thương vì lo sơ tán đồ đạc tránh ngập nước. Đặc biệt, vào khoảng 11h trưa 6/9, tại xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, mưa lớn kèm theo sấm sét đã làm 1 người chết. Nạn nhân là ông Trần Ngọc Hanh (sinh 1959, trú tại thôn 7, xã Xuân Lĩnh, Nghi Xuân). Tai nạn xảy ra khi ông Hanh đi đánh cá ngoài đồng, bị sét đánh chết tại chỗ.
Mưa lớn kéo dài đã khiến đất đá sạt lở từ trên núi xuống gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trên nhiều đoạn đường thuộc quốc lộ 8A và Quốc lộ 7A. Nhờ sự phối hợp của chính quyền địa phương và các đơn vị thi công, đến gần 12h trưa 6/9, quốc lộ 8A đoạn từ km 82 đến 100 đã thông tuyến 1 làn. Đến đầu giờ chiều, cả hai tuyến quốc lộ 7A và 8A đã lưu thông hai chiều.
Nhiều diện tích lúa bị ngập lụt (Ảnh: Nguyễn Hải) |
Ông Cao Xuân Giao, Giám đốc Khu quản lý đường bộ 4 (thuộc Tổng cục đường bộ Việt Nam) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn có mưa to do đó khả năng sạt lở rất cao. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, Khu Quản lý đường bộ 4 tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ứng trực suốt ngày đêm, thường xuyên kiểm tra phát hiện các điểm sạt lở mới để xử lý kịp thời; đồng thời bố trí phân luồng hợp lý để tránh ách tắc giao thông./.
Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An), đến đầu giờ chiều 6/9, quốc lộ 7A trên địa bàn huyện đã thông tuyến. Để đảm bảo cho người dân và học sinh ở hai xã Yên Tĩnh và Mai Sơn sớm ổn định cuộc sống, UBND huyện đã phối hợp với chính quyền 2 xã huy động lực lượng dân quân, công an, thanh niên… đến hót bùn ở các trường bị ngập; đồng thời bố trí lực lượng ứng trực suốt ngày đêm theo dõi tình hình mưa lũ.
Sáng 6/9, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ sẽ tiến hành xả lũ với lưu lượng gần 1.000 m3./.