|
Mực nước biển dâng cao là hệ quả của sự nóng lên toàn cầu (Ảnh: IT) |
Nghiên cứu vừa được công bố cho thấy, kể từ năm 1990, mực nước biển đã tăng thêm từ 2-3,7mm mỗi năm trên dọc bờ biển Đại Tây Dương thuộc nước Mỹ (dải bờ biển dài 1.000km), trong khi so sánh với mức độ của thế giới, sự gia tăng này chỉ ở vào khoảng 0,6-1mm.
Nghiên cứu do Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS) tiến hành được công bố trùng vào thời điểm các chuyên gia của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ đánh giá rằng mực nước biển có thể sẽ dâng lên gấp từ 2 đến 3 lần so với dự kiến trong thế kỷ này bắt nguồn từ hiện tượng nóng lên của trái đất. Hiện tượng này làm tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt tại một trong những vùng bờ biển đông dân nhất.
Không thể phủ nhận rằng nếu khí hậu tiếp tục nóng lên thì trong giai đoạn từ nay đến năm 2100, chúng ta có thể chứng kiến mực nước tại các bờ biển trên sẽ tăng thêm 30cm so với mức 1m trung bình của thế giới.
Các kết luận của nghiên cứu vừa được công bố cũng lưu ý các biện pháp hạn chế hiện tượng mực nước biển dâng cao làm nguy hại tới nhiều hệ sinh thái biển.
Nhà hải dương học Kara Doran thuộc USGS cho biết: “Khi nước ngọt bắt nguồn từ các tảng băng tan chảy thuộc Greenland đổ vào Đại Tây Dương, chúng sẽ làm phá vỡ dòng chảy của các con sông và làm các con sông chảy chậm lại”. Hiện tượng này dẫn tới mực nước tại các bờ biển dâng lên. “Mực nước biển có thể tăng nhanh gấp 2 lần vào mùa đông hay trong các trận bão nhiệt đới và có nguy cơ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn”, bà Doran cho biết.
Kết quả của một nghiên cứu khác được công bố mới đây cũng cho thấy, tới năm 2100, nhiệt độ tăng thêm 2°C và điều này sẽ dẫn tới mực nước biển tăng thêm 2,7m vào năm 2300 so với mức hiện tại. Nếu sự nóng lên của khí hậu được hạn chế ở mức +1,5°C thì mực nước các đại dương sẽ dừng lại ở 1,5m./.