Ảnh: Chủ trì Hội nghị.
Chủ trì Hội nghị là Ông Phạm Đức Luận – Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai; Ông Vũ Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Ông Trần Công Tuyên – Trưởng phòng Quản lý đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Tham dự Hội nghị còn có các đại biểu Bộ Nông nghiệp và PTNT: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và một số đơn vị liên quan; Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi của 18 tỉnh có đê thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long; Đại diện một số Ban Quản lý dự án về đê điều, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt là sự có mặt của gần 300 đại biểu là lực lượng chuyên trách quản lý đê điều đến từ các tỉnh, thành phố.
Ảnh: Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai - phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai khẳng định công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, bão nhiều năm qua, nhất là các đợt mưa lũ lớn đã cho thấy nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng. Năm 2022, thiên tai ở nước ta xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê. Liên tiếp 03 cơn bão cường độ khi đổ bộ tuy không lớn, nhưng gây mưa lớn, diện rộng làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 01 trận ATNĐ, 20 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận dông lốc, sét, mưa đá; 02 đợt rét đậm, rét hại; 131 trận động đất và 200 vụ sạt lở, triều cường, trong đó nắng nóng lịch sử tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vượt lịch sử (nhiệt độ đo được tại Tương Dương (Nghệ An) ngày 07/5/2023 đạt 44,2 độ cao nhất ghi nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam
Trong một năm vừa qua, công tác PCTT có nhiều thay đổi, nhất là công tác tổ chức bộ máy. Tổng cục phòng, chống thiên tai sau 5 năm thành lập và hoạt động; công tác PCTT đã có những chuyển biến căn bản và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên theo chủ trương chung, Bộ Nông nghiệp và PTNT không còn cấp Tổng cục và Cục QLĐĐ&PCTT được thành lập trên cơ sở kế thừa toàn bộ chức năng nhiệm vụ của Tổng cục PCTT. Ở đây, Ông Phạm Đức Luận nhấn mạnh rằng, tổ chức bộ máy có thay đổi thế nào đi nữa thì nhiệm vụ quản lý đê, hộ đê của lực lượng quản lý đê chuyên trách là không thay đổi.
Ông Phạm Đức Luận cho biết các năm trước đây Hội nghị Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống thiên tai cho lực lượng quản lý đê chuyên trách thường được tổ chức tại khu vực Bắc Bộ hoặc Trung Bộ. Tuy nhiên, hiện nay khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có hệ thống đê bao, bờ bao rất lớn với trên 45.500 km. Nhằm mục đích tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý đê điều, hộ đê, phòng chống thiên tai giữa các địa phương có đê và các địa phương khu vực ĐBSCL, Hội nghị năm 2023 được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh: Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết trong 06 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 03 loại hình thiên tai gồm: Sạt lở bờ sông; Triều cường và Mưa kèm theo dông lốc làm sạt lở hoàn toàn 07 căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng 19 căn nhà, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 933m. Ông Nguyễn Văn Sử nhấn mạnh Hội nghị tập huấn rất quan trọng và hết sức thiết thực, cung cấp chia sẻ nhiều thông tin, tài liệu quan trọng cũng như nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn tại các vùng miền trên khắp cả nước giúp cho các địa phương có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu trong việc chủ động trong phòng ngừa thiên tai; với mục tiêu sau cùng là giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, chủ động bảo vệ an toàn hệ thống đê điều.
Ảnh: Ông Vũ Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai - báo cáo công tác quản lý đê điều năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Tại Hội nghị, Ông Vũ Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - báo cáo công tác quản lý đê điều năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Công tác quản lý, đảm bảo an toàn đê điều còn nhiều thách thức như: Hệ thống đê điều tồn tại nhiều ẩn họa, bị xuống cấp; Nguy cơ xảy ra mưa, lũ lớn cực đoan; Công tác quản lý đê, hộ đê chưa được coi trọng đúng mức; Ý thức chấp hành pháp luật về đê điều của Chính quyền các cấp và người dân. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm hiện nay rà soát các công trình đang thi công dở dang cần đánh giá mức độ rủi ro phát hiện xử lý kịp thời sự cố; Rà soát lực lượng tuần tra canh gác theo Thông tư số 01/2009/TT-BNN; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và PCTT đến cộng đồng nhất là các nhân dân ven đê và Tổ chức các đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất.
Ảnh: Ông Phùng Tiến Dũng – TP Dự báo TV Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ - phát biểu tại Hội nghị.
Theo ông Phùng Tiến Dũng – TP Dự báo TV Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm DB KTTV Quốc gia - nhận định xu thế hiện tượng EI Nino sẽ tiếp tục duy trì từ nay cho đến những tháng nửa đầu năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Ngoài ra, dự báo từ tháng 7 đến tháng 9/2023 sẽ có khoảng 06-08 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 02-04 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Từ tháng 10-12/2023, số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông dự báo có khoảng 03-05 cơn và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.
Ảnh: Ông Trần Công Tuyên - Trưởng phòng Quản lý đê điều - giới thiệu Quyết định 429/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị, Ông Trần Công Tuyên – Trưởng phòng Quản lý đê điều - giới thiệu Quyết định 429/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, Thái Bình. Đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Thủy lợi cần nghiên cứu kỹ điểm mới trong Quyết định 429/QĐ-TTg, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện và lập quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với các quyết định.
Ảnh: Ông Tăng Quốc Chính - Trưởng Phòng Kiểm soát an toàn thiên tai báo cáo tham luận "Thực trạng tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và giới thiệu Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030" tại Hội nghị.
Ảnh: Ông Trần Quang Hoài – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chia sẻ một số nội dung về công tác PCTT tại Hội nghị.
Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị.
Tại Hội nghị các đại biểu cùng trao đổi các bài học, kinh nghiệm hay trong công tác quản lý đê, lập quy hoạch, cũng như công tác phát hiện ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý sự cố đê trong thời gian vừa qua.