Sự phân hóa mùa khiến cho khí hậu Tây Nguyên có một mùa khô thường kéo dài tương đương với thời gian mùa mưa, từ khoảng tháng 11 năm trước tới tháng 4 năm sau. Với đặc thù khô hanh, nắng nhiều, ít mưa, thậm chí có những khoảng thời gian vài tháng liên tục hầu như không có mưa nên tình trạng khô hạn thiếu nước trong nửa năm không phải mùa mưa ở Tây Nguyên là lẽ đương nhiên. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi dân số tăng; sản xuất mở rộng, rừng - nguồn điều phối nước tự nhiên giảm và cả những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu toàn cầu. Hạn hán thường không gây ra những thiệt hại trực tiếp về nhân mạng, nhưng tính chất khốc liệt của nó lại thể hiện ở tác động gây hại kép bởi hạn hán đã làm cho chi phí sản xuất tăng cao, còn năng suất, sản lượng thì lại tụt xuống. Hạn hán được coi là tác nhân chính làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Thiệt hại ở lĩnh vực sản xuất Nông - Lâm nghiệp do khô hạn gây ra là hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Trong những năm qua, công tác phòng chống thiên tai ở Tây Nguyên được quan tâm thông qua những việc làm cụ thể như: Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo phục vụ khí tượng thủy văn; Các chương trình bảo đảm an toàn dân cư trong vùng ngập lũ; Quy hoạch, khoanh vùng phòng, tránh lũ quét, sạt lở đất; Trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; Nâng cao năng lực trữ và cấp nước của các hồ chứa, kiến cố hoá hệ thông kênh mương thủy lợi; Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng theo hướng bền vững phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cho cộng đồng dân cư theo phương châm "bốn tại chỗ"; Tập huấn nâng cao năng lực cứu hộ cho lực lượng phòng, chống thiên tai các cấp; Mua sắm thêm các thiết bị, phương tiện xuồng, ca-nô để nâng cao hiệu quả cứu hộ tại chỗ cho các cơ sở, vv.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai sẽ hiệu quả hơn khi ý thức tự giác, năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai của cộng đồng các dân cư được nâng lên.
Từ ngàn đời nay, đồng bào các dân tôc Tây Nguyên đã biết quan sát những biểu hiện của Giàng (Trời), của sông suối, cây cối, động vật,… để nhận biết những thay đổi về thời tiết, mùa vụ,.. từ đó mà bố trí sản xuất và thực hiện những biện pháp hạn chế, né tránh rủi ro thiên tai. Ngày nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết trở nên thất thường hơn; những thay đổi của các yếu tố khí hậu không còn tuân theo quy luật chung nữa. Do đó mà bên cạnh những kinh nghiệm dân gian vốn có, người dân Tây Nguyên cũng cần được trang bị những kiến thức cơ bản để có thể nhận biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với thiên tai. Trên thực tế việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm năng cao ý thức cảnh giác và trang bị những kiến thức cơ bản trong công tác phòng chống thiên tai cho cán bộ và nhân dân các địa phương đã được thực hiện ở khá thành công ở một số nơi. Mô hình này cần được xem xét và thực hiện nhân rộng ra khắp Tây Nguyên.
Để nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai cho người dân và cộng đồng, thì trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về thiên tai và nguyên nhân hình thành thiên tai; hướng dẫn địa phương lập kế hoạch ứng phó vớ thiên tai hàng năm; tổ chức các buổi diễn tập phòng chống thiên tai ở cấp thôn, làng, trường học để mỗi người dân và các em học sinh có học sinh có những hiểu biến và kỹ năng cơ bản để có thể chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai. Cũng qua những công tác này sẽ từng bước điều chỉnh những hành vi ở làng, bản, mỗi hộ gia đình và từng con người. Đối với các cộng đồng làng, bản, xã cần đưa nhiệm vụ phòng chống thiên tai vào quy ước, hương ước, từ đó sẽ trở thành sức mạnh to lớn cả về mặt đạo đức và pháp lý. Mặt khác, cũng phải thông qua các hình thức sinh hoạt chính quyền, đoàn thể, công tác tuyên truyền để thường xuyên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là trong việc chấp hành quy hoạch, bảo vệ nguồn nước; gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ các công trình giao thông, thuỷ lợi... Bao trùm tất cả là việc kiên trì xây dựng và thực hiện những chuẩn mực văn hoá mới trong đó mọi cộng đồng và những cá nhân đều nhận thức rõ quyền hạn và trách nhiệm của mình trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đi đôi với những việc nêu ở trên là việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, đồng thời hướng chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ cảnh báo sớm cùng với cơ quan chuyên môn. Hệ thống cảnh báo sớm bao gồm thiết bị đo mưa thủ công; các tháp báo lũ, các bản đồ thiên tai và nguy cơ xảy ra thiên tai của địa phương; các thiết bị truyền thông tin như trống, kẻng, loa, còi, máy bộ đàm, vv. Hệ thống cảnh báo sớm sẽ phát huy tác dụng khi chính quyền địa phương và người dân được trang bị kiến thức và tự nguyện tham gia quan sát, đo và thông tin tình hình mưa, lũ lụt ở địa phương đến cơ quan chuyên môn và thông báo rộng rãi đến thôn, làng. Có được những thông tin này, cơ quan chuyên môn sẽ có cơ sở sát thực để tham mưu cho Ban chỉ huy PCLB & GNTT các cấp chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai ở những vùng không có trạm đo Khí tượng Thủy văn. Người dân khi có thông tin cũng chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó theo các tình huống đã được diễn tập.
Mùa mưa lũ năm 2013 đã đến. Tính chất phức tạp, khắc nghiệt của khí hậu thời tiết do biến đổi khí hậu toàn cầu và do nhiều nguyên nhân khác đã và đang thể hiện qua những biến động bất thường của tình hình thời tiết thủy văn trong thời gian qua và được dự báo là còn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường hơn trong thời gian tới. Những thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm qua cho thấy, dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình thiệt hại do thiên tai vẫn rất lớn, thậm chí còn có xu hướng tăng lên, nhất là ở những nơi xung yếu, nơi dễ bị tổn thương bởi thiên tai do địa bàn xa xôi, chia cắt khó tiếp cận đối với các đơn vị ứng cứu. Do đó việc nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho công đồng dân cư sẽ giúp họ chủ động tự ứng phó khi có thiên tai và là giải pháp phòng chống thiên tai có hiệu quả ở Tây Nguyên.