Việt Nam là một trong những 5 nước chịu thiệt hại nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với các rủi ro thiên tai và khí hậu ngày càng tăng cao như: Ngập lụt kéo dài, nước biển dâng cao, sóng, bão, xâm nhập mặn và xói lở bờ... Vì vậy, trọng tâm của dự án là nhằm tăng cường khả năng ứng phó về hạ tầng cơ sở giao thông, làm giảm thiệt hại và tăng khả năng ứng phó với các rủi ro do thiên tai, khí hậu.
Theo ông Satoshi Ishihara, Giám đốc dự án Ngân hàng Thế giới, để đảm bảo tính bền vững do thiên tai, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với chủ dự án. Dự án đưa ra là đảm bảo người dân sống ở vùng xảy ra thiên tai phải được kết nối hoàn toàn, không bị cô lập, đảm bảo tính an toàn khi di dời và người dân sống trong vùng thường xuyên bị thiên tai phải đảm bảo cuộc sống trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ, xây dựng đê bao ven biển, ven sông, cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân sống vùng ven khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, nước biển dâng...
Thay mặt UBND 6 tỉnh ven biển được lựa chọn nghiên cứu thực hiện dự án, ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian qua, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và Ngân hàng Thế giới quan tâm, đầu tư hệ thống đê sông, đê biển, nạo vét khơi thông kênh rạch, triển khai các khu dân cư vượt lũ, xây dựng những mẫu nhà đảm bảo an toàn trong bão, lũ lụt. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế nên việc ứng phó thiên tai vẫn còn những mặt thiếu chủ động. Do vậy, việc nghiên cứu xác định các gói thầu ưu tiên đầu tư để tăng cường khả năng phục hồi thiên tai của những tuyến kết nối giao thông quan trọng tại các vị trí chiến lược và các khu vực định cư của người nghèo và người dễ bị ảnh hưởng của 6 tỉnh ven biển đang phải đối mặt là rất khó khăn.