|
Tiến sĩ Suzette Mitchell. - Ảnh: VGP/Việt Hà |
Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc tọa đàm cấp cao thảo luận về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, Tiến sĩ Suzette Mitchell cho rằng Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trong công tác về bình quyền cho phụ nữ, đặc biệt là về mặt luật pháp và chính sách.
PV: Với vai trò là Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về công tác bình đẳng giới ở Việt Nam?
Tiến sĩ Suzette Mitchell: Tôi đã đến Việt Nam cách đây 14 năm trước và khi quay lại đây, tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong chính sách của luật pháp cũng như các chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ.
Việt Nam đã có rất nhiều các tiến bộ trong các chính sách cho phụ nữ. Trong khu vực, Việt Nam đã nổi lên là một trong những nước đứng đầu trong công tác về bình quyền cho chị em, đặc biệt là về mặt luật pháp và chính sách.
Tuy nhiên có một vấn đề đáng quan tâm là theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội những năm gần đây mặc dù được xếp vào loại cao trong khu vực châu Á nhưng vẫn có sự suy giảm (nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội 27,3%; nhiệm kỳ khoá XIII, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%).
Tôi được biết là hiện nay Việt Nam đã bố trí rất nhiều nguồn lực cho công tác bình đẳng giới và phụ nữ, nhưng khi thực thi các chính sách thì chưa có sự quản lý một cách thực sự sát sao.
PV: Theo bà thì thách thức chung trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở các nước hiện nay là gì? Đối với Việt Nam thì đâu là những khó khăn cần được quan tâm giải quyết?
Tiến sĩ Suzette Mitchell: Đây là một câu hỏi lớn. Có nhiều trở ngại trong thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, tôi cho rằng trở ngại lớn nhất với sự bình quyền của chị em phụ nữ trên thế giới hiện nay đó chính là vấn đề về tôn giáo, sắc tộc. Ở một số quốc gia, người phụ nữ vẫn có vị thế rất thấp.
Ngoài ra, yếu tố lịch sử cũng là thách thức, vấn đề đưa ra tiếng nói của chị em mới được phát triển khoảng 50 năm thôi, còn chính quyền thì đã có hàng ngàn năm lịch sử rồi.
Việt Nam cũng khá giống với các quốc gia khác. Qúa trình thực thi chính sách pháp luật còn hạn chế do nhận thức của người dân về vấn đề bình đẳng giới. Ví dụ, bạo lực gia đình là phạm pháp nhưng người ta không hiểu thì sẽ vẫn vi phạm và khó phòng, chống được điều đó.
Bên cạnh đó, một trong những trở ngại lớn cho Việt Nam cũng như các nước phương Đông là ảnh hưởng quan niệm đề cao vai trò của nam giới là chính. Muốn thay đổi được điều này thì phải mất rất nhiều thế hệ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tuyên ngôn, tuyên bố thể hiện mạnh mẽ vai trò của cả hai giới và của cả toàn dân nói chung. Thời gian đó sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong các vấn đề của đất nước đã được đẩy mạnh.
Để làm được điều này, quan trọng là phải nâng cao được kỹ năng, tay nghề, trình độ cho tất cả chị em phụ nữ, để họ tham gia vào sản xuất, vào nền kinh tế và sẽ có vai trò lớn hơn trong xã hội.
PV: Thưa bà, đây có phải là khuyến nghị quan trọng nhất nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam?
Tiến sĩ Suzette Mitchell: Vâng. Tôi cũng muốn chia sẻ thêm vài điều. Việt Nam có thể học hỏi mô hình cơ quan chuyên về phụ nữ và giới ở một số nước, để có thể đảm bảo hơn việc thực thi các chính sách và pháp luật của mình về bình đẳng giới.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực liên quan đến các vấn đề kinh nghiệm và chuyên môn về các vấn đề giới; sự phối hợp giữa các Bộ ngành khác có liên quan; nâng cao hiểu biết, phân tích và thúc đẩy việc sử dụng các số liệu thống kê giới và dữ liệu phân tích…
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!