Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), nền kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Trong khi tài nguyên trên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các-bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.
Theo tính toán của UNEP năm 2009, cộng đồng EU và Mỹ đã tạo ra 2 - 3,5 triệu việc làm khi xây dựng các tòa nhà xanh, Trung Quốc tạo nên 10 triệu việc làm trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo với doanh thu 17 tỷ USD/năm. Những dữ liệu thực tế này cho thấy, gieo mầm kinh tế xanh, tạo nên tăng trưởng xanh là chiến lược cho phát triển bền vững ở tương lai.
Tại Chương trình đối thoại chính sách "Tăng trưởng xanh - cơ hội, thách thức và lựa chọn nào cho Việt Nam?" do Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp Viện Hanns-Seidel tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Lựa chọn nền kinh tế xanh là phương án tối ưu cho sự phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam. Cần định hình những khó khăn trước mắt và lâu dài, khách quan và chủ quan trong áp dụng mô hình mới, để sớm thay đổi nhận thức, thiết lập hành lang pháp lý, chính sách mở đường cho kinh tế xanh. Các chuyên gia từ Quỹ Hanns-Seidel đều khẳng định, Việt Nam cần định vị sớm trong nền kinh tế xanh. Bởi lẽ, tính bền vững nền kinh tế là mục tiêu dài hạn rất xa và xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa những nước như Việt Nam tới đích.
Hiện tại, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, công nghệ sản xuất còn lạc hậu... Chuyển đổi mô hình kinh tế xanh rõ ràng sẽ mang lại hiệu quả lâu dài song bài toán kinh phí còn khá nan giải. Các nhà nghiên cứu đề xuất phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, với các hoạt động hạn chế các ngành gây ô nhiễm, cơ cấu kinh tế vùng dựa trên các hệ sinh thái, phát triển hàng hóa và dịch vụ môi trường, phát triển năng lượng sạch... Mặt khác, đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp tái chế, năng lượng sinh học, tái sinh rừng tự nhiên...