Giải pháp được địa phương đưa ra là khuyến cáo người dân sống dọc sông Lam biết được thời điểm thường gây sạt lở bờ sông do biến động của thời tiết để có cách phòng tránh, chủ động bảo đảm an toàn cho tài sản, tính mạng. Tỉnh cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ngành liên quan thống kê các điểm thường xảy ra sạt lở; lập quy hoạch các khu vực tái định cư cho người dân nằm trong vùng có nguy cơ đe dọa cao do sạt lở bờ sông gây ra; huy động, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng các điểm tái định cư, các kè chống sạt lở dọc bờ sông.
Hiện nay, tại xã Hưng Châu và Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên ( một trong những trọng điểm sạt lở bờ sông Lam), tỉnh Nghệ An đang thực hiện dự án xây dựng các điểm tái định cư và xây dựng kè chống sạt lở dọc bờ sông. Do số lượng người dân có nhu cầu di dời đến nơi ở mới tại các điểm tái định cư là rất lớn, nên địa phương phối hợp với các ngành chức năng phải xét duyệt từng đối tượng, ưu tiên các đối tượng nghèo, neo đơn, bị sạt lở nặng, trực tiếp đe dọa đến tính mạng, tài sản.
Sông Lam là con sông lớn nhất chảy qua địa bàn Nghệ An, bên cạnh việc cung cấp phù sa, nước cho sản xuất, sinh hoạt và phục vụ các hoạt động dân sinh, kinh tế xã hội khác, hiện nay việc sạt lở bờ sông cũng đang gây lo ngại cho người dân. Sạt lở nặng nhất là đoạn qua huyện Đô Lương, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Con Cuông… Tại những địa phương này, có những điểm sạt lở ăn sâu vào đất sản xuất nông nghiệp, đất ở của người dân, không chỉ làm mất đất sản xuất nông nghiệp, mà còn đe dọa đến an toàn tính mạng, tài sản người dân. Chỉ riêng tại huyện Hưng Nguyên và Đô Lương, sạt lở sông Lam làm mất trên 5 ha đất mỗi năm.
Người dân các địa phương nơi có sông Lam đi qua phần lớn làm nghề sản xuất nông nghiệp và sông nước, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, việc di dời, chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn là ngoài khả năng của các hộ dân. Để xây dựng một khu tái định cư cho khoảng 50 hộ dân và thực hiện di dời các hộ dân đến nơi ở mới trước nguy cơ sạt lở bờ sông phải tốn ít nhất 50 tỷ đồng, đây là số tiền rất lớn, ngoài khả năng của địa phương. Mặt khác, việc xây dựng kè chống sạt lở bờ sông cũng rất tốn kém. Trong điều kiện khó khăn về nguồn kinh phí, tỉnh Nghệ An xác định ưu tiên lập quy hoạch, đầu tư di dời những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ đe dọa cao và vận động người dân chủ động đối phó với các tình huống phức tạp do sạt lở bờ sông gây ra. Tỉnh Nghệ An cũng mong muốn các ngành chức năng ở Trung ương quan tâm, đầu tư các dự án chống sạt lở bờ sông và ưu tiên các nguồn vốn xây dựng các điểm tái định cư, vì hiện nay mùa mưa bão năm 2013 đang đến, một số điểm sạt lở bờ sông Lam đang ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn cho người dân và làm mất rất nhiều diện tích đất nông nghiệp./.