“Không ai hiểu được chúng tôi bằng chính chúng tôi!”[1], ngày 4 tháng 10 năm 2013, Malteser International tại Việt Nam phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và Hội Người Khuyết Tật tỉnh Quảng Nam đã tạo cơ hội để chính người khuyết tật đưa tiếng nói của những người khuyết tật trong cộng đồng đến với những cơ quan ra quyết định trong quản lý rủi ro thiên tai nhân ngày Phòng Tránh Thiên Tai Quốc Tế năm 2013. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án Hòa nhập người khuyết tật trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai của mạng lưới DiDRRN được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức.
Lễ kỷ niệm năm nay với chủ đề “Người khuyết tật trong thiên tai” được tổ chức tại xã Đại Hồng, một trong những vùng được xem là rốn lũ của Việt Nam trong mùa bão lụt nhưng đã thu hút được gần 300 người tham dự bao gồm những người khuyết tật của nhiều dạng tật, những thúc đẩy viên, những vị đại diện cho chính quyền, cho các cơ quan phòng chống lụt bão các cấp. Đặc biệt ông Nguyễn Hữu Phúc, giám đốc Trung tâm Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia đã vượt hơn 1000km để đến đây “nghe” người khuyết tật tự tin nói về những nhu cầu và năng lực của họ sau 15 tháng tham gia vào dự án ”Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có lồng ghép hòa nhập khuyết tật” do Bộ Ngoại giao Đức tài trợ, Malteser International và Hội NKT Quảng Nam phối hợp thực hiện.
Mặc dầu buổi lễ kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ nhưng tất cả các thành viên tham dự đều ở lại đến lúc kết thúc bởi nhiều hoạt động thú vị đã diễn ra: thi kỹ năng truyền thông với những chủ đề “Người khuyết tật với thiên tai”, thi vẽ sơ đồ hiểm họa về “Huy động người khuyết tật tham gia vẽ sơ đồ hiểm họa thôn”, những bài phát biểu đầy tâm huyết và muốn hành động để giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho người khuyết tật và cộng đồng và phần gây ấn tượng sâu sắc đến toàn thể người tham dự và vị đứng đầu Trung tâm Phòng tránh Thiên tai Quốc gia đó là tọa đàm “Tiếng nói của người khuyết tật”. Anh Tám, một thúc đẩy viên trong thôn đã nói “Cuộc sống của tôi đã có thay đổi lớn sau khi tham gia dự án. Trước đây, vì nghĩ là người khuyết tật tôi không quan tâm gì về kế hoạch PCLB của thôn. Nay, tôi đã là thành viên trong ban QLRRTT. Hơn thế, bây giờ nếu có thiên tai xảy ra tôi cũng như những người khuyết tật khác trong thôn cũng đã cảm thấy bớt lo lắng hơn vì chúng tôi đã tham gia lập kế hoạch, những nhu cầu của chúng tôi đã được đưa vào kế hoạch QLRRTT. Khi thiên tai xảy ra, những người nằm trong danh sách ưu tiên sẽ được quan tâm trước.”Chị Bé, một phụ nữ khuyết tật vận động nặng nhưng chị vừa tham gia công tác của Hội NKT, vừa buôn bán vừa chăm sóc bố mẹ già và nuôi con trai ăn học. Với quá nhiều việc phải làm như vậy nhưng chị vẫn dành thời gian để tham gia vào dự án. Khi được hỏi động lực nào giúp chị có thể tích cực tham gia các hoạt động để hỗ trợ NKT như vậy. Chị đã cười rạng rỡ và trả lời “Cho rằng mình là một người không có thể giúp ích gì cho xã hội tôi đã cố gắng hết sức để chăm lo cho gia đình. Nay sau khi được tập huấn tôi đã trở thành một tập huấn viên, tham gia các khóa tập huấn nhằm xây dựng năng lực cho người khuyết tật có thể tự tin tham gia vào công tác phòng tránh rủi ro thiên tai của thôn. Từ bản thân mình, tôi nghĩ, nếu những người khuyết tật được tạo điều kiện để tham gia vào những hoạt động như những người không khuyết tật khác, tính tự tin của họ sẽ tăng lên, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy mình có ích vì vậy sẽ sống tốt hơn. Đó là động lực lớn nhất giúp tôi có thể thu xếp thời gian và công việc để tham gia các hoạt động dự án.”
Ảnh: nguồn Malteser International và SRD
[1] Công ước của Liên hiệp Quốc về Quyền của Người khuyết tật