Nhà vườn nhặt từng trái sầu riêng rụng trong vườn. Ảnh: thanh nguyên
Thảm trạng chung
Từ cuối năm 2019, đã có dự báo về hạn mặn sẽ gay gắt khi bước sang năm 2020. Dẫu biết trước nhưng đến đầu tháng 5 này, cây trái ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất hiện thảm trạng bị tác động kép từ hạn và xâm nhập mặn. Thê thảm nhất, không chỉ giảm năng suất mà trái ở những vườn cao sản bị rơi rụng khi mới bắt đầu tượng hình…
Theo ông Dương Ái Đạo - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Cây sầu riêng chiếm 70% diện tích cây ăn quả của huyện (hơn 1.000ha, chủ yếu trồng trên các cù lao), nhưng do là loại cây chịu đựng hạn mặn thấp nên dễ bị tác động xấu của xâm nhập mặn. Đợt xâm nhập mặn vừa qua, sầu riêng bị ảnh hưởng nặng nhất với 539ha, mất gần 90% diện tích vườn sầu riêng. Nhà vườn phải đốn bỏ những cây sầu riêng bị suy kiệt và chết khô.
Tuy một số vườn khắc phục được phần nào tác động xấu của hạn mặn, nhưng tỉ lệ đạt trái không cao so với năm trước. Hiện, huyện chỉ có khoảng 800ha sầu riêng đang cho trái và thu hoạch. Tuy nhiên, giá năm nay lại thấp so với cùng thời điểm năm trước.
Kêu trời không thấu
Tại vườn sầu riêng Sáu Lan ở xã Quới An (huyện Vũng Liêm), bà Nguyễn Thị Lan - chủ vườn - cho biết: Gia đình bà chủ yếu sống nhờ vào trồng sầu riêng nên đầu tư rất nhiều công sức. Song vườn cây 20 năm tuổi phải chặt bỏ vì ảnh hưởng hạn mặn. Không bỏ, cây cũng chết.
“Trồng cây như nuôi một đứa trẻ, phải chăm sóc tận tâm thì mới phát triển được. Mà giờ nó bị bệnh, mình không cứu được phải đốn bỏ, lòng đau lắm. Trăn trở mấy ngày đêm, không còn cách nào khác nên phải dẹp bỏ thì mới có thể tái tạo trồng lại cây khác” - bà Lan nghẹn lời cho hay.
Bà nói rằng, chồng bà cũng đi gặp nhiều nơi, tìm hiểu kỹ thuật nhưng khôi phục không nổi, xót xa lắm! Hiện ông còn đi khắp các vườn cây để tìm cây khác thay thế cây sầu riêng.
Để sầu riêng cho trái phải chăm sóc 5 năm và sở dĩ bán được giá vì rất khó trồng so các loại cây trái khác. Muốn tạo dựng lại vườn, cũng phải mất 5 năm nữa, cây mới đủ sức cho trái lớn và chất lượng. Lúc đó mới có thu nhập, chưa tính công sức, tiền của vốn ban đầu.
Vườn của bà chưa bị ảnh hưởng hết diện tích nhưng những cây có trái mùa này, giá cũng thấp. Một phần do ảnh hưởng hạn mặn nên chất lượng trái bị giảm, có trái bị cứng, chai cơm sầu. Năng suất lại rất thấp, chỉ bằng một nửa năm trước.
Năm nay, ở tỉnh Vĩnh Long, không chỉ sầu riêng trên cù lao thuộc huyện Vũng Liêm mà cả vườn sầu riêng ở huyện Mang Thít cũng rơi vào thảm trạng chung do hạn hán và xâm nhập mặn.
Tháng 5, về các vườn cây sầu riêng, khi tiếp cận thông tin về xâm nhập mặn, nơi nào chủ vườn cũng thở than, chua xót: Vụ này coi như xong! Nói chung, trái sầu riêng nơi này đang oằn mình chịu một lúc hai tác động kép: Hạn, xâm nhập mặn và giá với năng suất thấp. Nhà vườn khốn đốn đến kêu trời không thấu.