Dự án sẽ được triển khai từ nay đến năm 2013 với mục tiêu nghiên cứu, xây dựng giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn vùng ven biển ĐBSCL. Một trong những giải pháp được ưu tiên là xây dựng các dự án kiểm soát mặn ở vùng ven biển Gò Công, Bến Tre, Nam Mang Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tứ giác Long Xuyên (tỉnh Kiên Giang); chuyển đổi thời vụ thích hợp để tránh thời kỳ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn; xây dựng củng cố các tuyến đê biển và đê cửa sông để kiểm soát mặn và giảm thất thoát nguồn nước.
Việc Chính phủ Nhật Bản tài trợ thêm một dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết. Riêng tại Kiên Giang từ năm 1975 – 2007, nhiệt độ bình quân hàng năm tăng khoảng 0,60C. Nếu nước biển dâng cao hơn mực thủy chuẩn 0,5m thì có hơn 50% diện tích đồng bằng của Kiên Giang bì chìm, dâng cao hơn 1m thì có tới 66% diện tích đồng bằng bị chìm. Cũng như các địa phương ven biển, Kiên Giang đang gặp khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, các công trình thủy lợi, đê bao ven biển... chưa theo kịp nhu cầu phát triển của địa phương. Tình trạng xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng trong mùa khô chứng tỏ khả năng kiểm soát mặn của các công trình thủy lợi chưa đạt hiệu quả mong muốn, việc vận hành hệ thống cống, đập cũng phát sinh nhiều bất cập.
Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, như: Triển khai Quyết định 667 của Thủ tướng Chính phủ về trồng rừng ngập mặn để bảo vệ đê biển, bảo vệ đất nông nghiệp và nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; phối hợp chặt chẽ với Dự án GIZ tại tỉnh Kiên Giang (do AusAID tài trợ thông qua GIZ) để tiến hành các nghiên cứu cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng các mô hình kinh tế, ổn định dân cư ven biển, tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng trong nhân dân về biến đổi khí hậu và nước biển dâng…