Cảnh sát Nhật giám sát giao thông tại 100 điểm ở trung tâm thủ đô Tokyo, trong khi các hành khách được hướng dẫn tới những khu vực an toàn từ các nhà ga. Đây là một kịch bản giả định về tình huống sau khi động đất xảy ra khiến tất cả hệ thống đường sắt và tàu điện ngầm bị đình trệ.
Hai học sinh nhỏ của Nhật trong cuộc diễn tập chống động đất. Ảnh: AFP
Khoảng 517.000 người trên toàn nước Nhật tham gia vào cuộc diễn tập hôm nay. Tuy nhiên, một số vùng chịu ảnh hưởng lớn từ thảm họa kép hôm 11/3, trong đó có Fukushima, đã không thể tham gia do người dân ở đây vẫn còn đang vật lộn với cuộc sống thời hậu thảm họa.
Trong khi đó, công ty điện lực Chubu, đơn vị vận hành nhà máy hạt nhân Hamaoka tại bờ giáp Thái Bình Dương của tỉnh miền trung Shizuoka, đã kiểm tra các thiết bị liên lạc trong kịch bản giả định có tình trạng mất điện vì sóng thần.
"Chính phủ và các chính quyền địa phương nên cân nhắc lại các biện pháp ngăn ngừa thảm họa theo truyền thống xưa cũ, và phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra của các trận động đất và sóng thần", văn phòng nội các chính phủ Nhật cho hay. "Đặc biệt là đối với các biện pháp ngăn ngừa sóng thần, chúng ta cần phải làm tăng nhận thức đề phòng thảm họa của người dân và áp dụng mọi biện pháp có thể, bao gồm cả việc di tản."
Ngày Ngăn ngừa Thảm họa là một cuộc diễn tập hàng năm với mục đích huấn luyện cho người dân khả năng đối phó với kịch bản động đất lên tới 7,3 độ Richter tại Tokyo. Nó cũng được tổ chức để tưởng nhớ 140.000 nạn nhân của cơn địa chấn kinh hoàng Great Kanto hồi năm 1923.
Những con sóng cao tới 15 m theo sau trận động đất 9 độ Richer hôm 11/3 khiến hơn 20.000 người tại vùng đông bắc Nhật bị chết hoặc mất tích. Sóng thần còn làm hư hại các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, khiến cường quốc Đông Á phải đứng trước thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, kể từ sau thảm họa Chernobyl hồi năm 1986. Hiện vẫn còn khoảng 10.000 người đang phải sống trong các khu di tản ở bán kính 12 km quanh nhà máy Fukushima I.