Con số 238.000 nói trên tăng nhẹ so với một năm trước đó. Tỷ lệ tử vong sớm trung bình do ô nhiễm không khí của các nước EU vào năm 2020 thấp hơn 45% so với năm 2005. Đồng thời, Cơ quan giám sát môi trường châu Âu lưu ý rằng "nếu tốc độ giảm này được duy trì, EU sẽ đạt được mục tiêu kế hoạch hành động không ô nhiễm của mình trước năm 2030".
Đối với tất cả 27 quốc gia EU vào năm 2020, "việc tiếp xúc với nồng độ bụi mịn cao hơn mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2021 đã dẫn đến 238.000 ca tử vong sớm", Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết trong một báo cáo mới.
Con số này cao hơn so với mức được ghi nhận vào năm 2019 tại EU, mặc dù lượng khí thải giảm do các biện pháp hạn chế do COVID-19.
Vật chất dạng hạt mịn, hay PM2.5, là thuật ngữ chỉ các hạt bụi mịn thường là sản phẩm phụ của khí thải ô tô hoặc hoạt động của nhà máy nhiệt điện than.
Kích thước siêu nhỏ của bụi mịn cho phép chúng đi sâu vào đường hô hấp, làm trầm trọng thêm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, hen suyễn và bệnh phổi.
Cũng trong năm 2020, việc tiếp xúc với khí nitrogen dioxide (NO2) trên ngưỡng khuyến nghị của WHO đã dẫn đến 49.000 ca tử vong sớm ở EU, theo đại diện Khu vực kinh tế châu Âu (EEA).
Trong khi đó, phơi nhiễm cấp tính ozone (O3) khiến 24.000 người chết sớm.
"Khi so sánh năm 2020 với năm 2019, số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí tăng đối với PM2.5 nhưng giảm đối với NO2 và O3", cơ quan này cho biết. "Trong đại dịch COVID-19, nồng độ bụi mịn PM 2.5 đã giảm đi".
Đại dịch COVID-19 đã khiến một số người vốn đã phải sống chung với các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí tử vong.
EU kỳ vọng giảm 55% số ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm bụi mịn vào năm 2030 so với mức của năm 2005.
Theo WHO, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới, ngang bằng với việc hút thuốc hoặc chế độ ăn uống thiếu chất.