* Thưa PGS, Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 15) tại Copenhaghen kết thúc cuối năm 2009 mà các thỏa thuận không đạt được như mong muốn, giới khoa học lo ngại, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng trên mức 2 độ C như dự kiến trước đó. Ở Việt Nam, năm 2009, chúng ta khuyến cáo các ngành, địa phương sử dụng kịch bản mức trung bình nhưng sau đó, ông cũng đã lo ngại, có lẽ phải sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu ở mức cao (theo kịch bản phát thải cao) cho các hoạt động nghiên cứu chính sách, triển khai hoạt động. Vậy với kịch bản lần này, những chỉ số về nhiệt độ, lượng mưa có xu thế tăng đáng lo ngại như vậy ?
- Lần tính toán này, chúng tôi nhận thấy, các chỉ số biến đổi khí hậu có xu hướng gia tăng. Mức tăng nhiệt độ dao động trong phạm vi lớn hơn so với kịch bản năm 2009. Chẳng hạn, theo kịch bản phát thải trung bình, vào cuối thế kỷ 21, mức tăng nhiệt độ trung bình năm có thể tới 3,5oC ở các khu vực nhỏ thuộc Bắc Trung Bộ. Theo kịch bản năm 2009, mức tăng chung cho vùng khí hậu này là 2,8oC vào năm 2100. Tương tự đối với mưa, lượng mưa mùa khô có thể giảm đến 30% vào năm 2100 ở một vài nơi thuộc Nam Bộ, trong khi đó theo phiên bản năm 2009 thì trung bình cho toàn vùng chỉ giảm 18%. Ngoài yếu tố trung bình, kịch bản biến đổi đối với một số cực trị khí hậu cũng được xem xét đến trong phiên bản lần này như nhiệt độ cao nhất, thấp nhất, lượng mưa ngày lớn nhất,… Đây sẽ là các thông tin bổ sung giúp các Bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động cũng như xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH.
* Khu vực ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đã được nhóm nghiên cứu chú trọng đầu tư nghiên cứu cứu ra sao, thưa ông ?
- Khác với kịch bản nước biển dâng năm 2009, bản cập nhật kịch bản lần này đã tính chi tiết hơn cho từng khu vực ven biển Việt Nam. Lần cập nhật này, vùng ven biển Việt Nam được chia thành 7 khu vực có sự tương đồng về xu thế mực nước biển dâng. Đó là: Khu vực ven biển Bắc Vịnh Bắc Bộ, từ Móng Cái đến Hòn Dáu; Khu vực ven biển đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, từ Hòn Dáu đến Đèo Ngang; Khu vực ven biển Nam Vịnh Bắc Bộ, từ Đèo Ngang đến đèo Hải Vân; Khu vực ven biển Bắc của Nam Trung Bộ, từ Đèo Hải Vân đến Mũi Đại Lãnh; Khu vực ven biển Nam của Nam Trung Bộ, từ Mũi Đại Lãnh đến Mũi Kê Gà; Khu vực ven biển Đông Nam Bộ, từ Mũi Kê Gà đến Mũi Cà Mau; Khu vực ven biển Tây, từ Mũi Cà Mau đến Hà Tiên.
Việc sắp xếp thành 7 khu vực ven biển giúp cho việc tính toán mực nước biển dâng chi tiết, cụ thể hơn, đồng thời thuận tiện cho các tỉnh cùng một khu vực phối hợp xây dựng giải pháp ứng phó mang tính liên tỉnh.
* Mực nước biển dâng là một chỉ số được các địa phương ven biển đặc biệt quan tâm, bởi nó liên quan đến mức độ ngập lụt, mất diện tích, ảnh hưởng đến đường giao thông, đến các thiết kế công trình… Thưa PGS, theo nghiên cứu mới nhất, nguy cơ nước biển dâng cho từng khu vực ra sao ?
- Theo các kịch bản, đến năm 2100, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, thấp nhất ở vùng Móng Cái đến Hòn Dáu. Cụ thể, theo kịch bản phát thải trung bình (B2), nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 62 cm đến 82 cm; thấp nhất ở khu vực Móng Cái trong khoảng từ 49 cm đến 65 cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 60,3 cm đến 74,2 cm. Còn theo kịch bản phát thải cao (A1FI), ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang mực nước biển dâng từ 85 cm đến 105 cm; khu vực Móng Cái có mức dâng từ 66 cm đến 85 cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78,5 cm đến 95,3 cm.
* Hệ thống bản đồ ngập lụt cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được công bố ở kịch bản năm 2009 đã được các ngành, các địa phương đón nhận như những thông tin chỉ báo hữu ích cho quy hoạch cũng như hành động thích ứng. Vậy kịch bản cập nhật lần này, những thông tin đó có những gì mới, thưa PGS ?
- Đúng là sau khi công bố kịch bản năm 2009 với hệ thống bản đồ nguy cơ ngập cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi nhận được ý kiến của nhiều địa phương ven biển khác cũng muốn có được hệ thống bản đồ này. Lần cập nhật này, chúng tôi đã bổ sung tính toán và trình bày các bản đồ nguy cơ ngập cho khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven biển Miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu). Diện tích có nguy cơ ngập cũng được tính toán chi tiết cho các vùng và tỉnh. Vẫn theo xu thế như kịch bản năm 2009, đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m và nếu không có các giải pháp ứng phó, sẽ có khoảng 39% diện tích vùng đồng bằng này có nguy cơ bị ngập và khoảng 35% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp. Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ có khoảng 11% diện tích có nguy cơ bị ngập và 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp. Đối với các tỉnh ven biển miền Trung, khoảng 2,5% tổng diện tích của khu vực có nguy cơ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 10% số dân. Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, sẽ có khoảng 20% diện tích bị ngập và 9% số dân bị ảnh hưởng.
* Các nhà khoa học có khuyến cáo gì để các ngành, địa phương sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cập nhật có hiệu quả ?
- Theo chúng tôi, việc triển khai, xây dựng và thực hiện các chiến lược, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu không nhất thiết phải tiến hành đồng thời, mà có thể phân kỳ, lựa chọn những vấn đề ưu tiên trước, phù hợp với khả năng, mức độ ảnh hưởng thực tế đến các ngành, địa phương (đặc biệt là đối với quy hoạch phát triển, đối với các công trình vĩnh cửu hay tạm thời, đối với các tiêu chuẩn thiết kế,…) trên cơ sở các thông tin từ các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các mốc thời gian khác nhau trong thế kỷ 21.
* Xin cảm ơn PGS.