Một khu dân cư ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, 9 huyện miền núi của tỉnh có gần 100 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất; riêng huyện miền núi Nam Trà My có khoảng 59 điểm có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng khoảng 10.000 người dân.
Nỗi lo sạt lở
Trung tâm hành chính huyện miền núi Nam Trà My đặt tại xã Trà Mai được quy hoạch và xây dựng cách đây 20 năm. Nhiều công trình, trụ sở làm việc kiên cố tại đây từng là nơi tránh trú lũ quét, sạt lở đất của người dân. Tuy nhiên hiện nay, khu vực này đang đối mặt với nguy cơ sạt lở bởi ngay sau lưng các khu dân cư, trụ sở làm việc là quả đồi lớn đã xuất hiện nhiều vết nứt, ngày càng nguy hiểm hơn.
Sau đợt mưa bão năm 2020, một phần của quả đồi nằm sau lưng trụ sở cơ quan Thi hành án huyện Nam Trà My đã bị sạt lở. Hiện khu vực này đã được kè chắn, nhưng còn một loạt trụ sở làm việc khác, gồm Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, Tòa án... vẫn đang nằm trong vùng nguy hiểm. Mới nhất, phía sau trụ sở Công an huyện đã xuất hiện 2 vết nứt cách đỉnh đồi 30m. Vết nứt thứ nhất chạy dọc dài khoảng 50m, rộng 1,8m, độ sâu quan sát được khoảng 1,2m. Vết nứt còn lại chạy song song với dãy nhà tạm giam có độ dài khoảng 10m, rộng 20 cm, độ sâu từ 30-50 cm. Để ngăn nước mưa chảy xuống các vết nứt này, địa phương đã tiến hành phủ bạt nhưng chỉ là giải pháp tạm thời cho qua khỏi mùa mưa năm nay.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, kể từ khi xuất hiện các vết nứt ở quả đồi sau lưng dãy các cơ quan hành chính của trung tâm huyện, mỗi khi có mưa to kéo dài, tâm lý làm việc của cán bộ luôn trong tình trạng bất an bởi đất đá có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. “Phía sau là quả đồi cao với nhiều vết nứt, phía trước là con sông Nước Là thường xuyên dâng cao. Mỗi khi có dự báo mưa lớn kéo dài thì không một ai dám ở lại đây nghỉ ngơi, làm việc”, ông Mẫn chia sẻ thêm.
Khu dân cư ở Tổ 2, Thôn 2, xã Trà Mai, nơi tập trung đông các hộ dân sinh sống, cũng nằm dưới chân quả đồi đã có dấu hiệu dễ bị sạt lở. Cuộc sống của người dân khu vực này như đảo lộn khi vào mùa mưa. Là một trong rất nhiều hộ dân khu vực này, chị Phan Ngọc Tuyền cho biết, cứ thấy trời mưa là bà con lại nơm nớp lo sợ. Nếu mưa lớn quá thì gia đình phải di dời đến trường học gần nhà để bảo đảm an toàn.
Anh Lê Thanh Vinh sinh sống lâu năm ở đây cho biết, mấy năm trước bụi tre trên đồi cách nhà hơn 5m nhưng giờ mưa nhiều dẫn đến trượt lở hết xuống, dính luôn vào tường nhà. Bây giờ cứ trời mưa lớn, gia đình rất lo lắng, không biết quả đồi phía sau nhà khi nào lở xuống.
Tại trung tâm huyện Nam Trà My, cứ vào mùa mưa, dòng nước chảy xiết từ trên sườn núi trút xuống như những con suối. Đáng lo ngại hơn khi toàn bộ dãy đồi chạy dọc sau lưng các trụ sở làm việc của trung tâm hành chính huyện, của khu dân cư, đất đá cứ liên tục sạt chạy xuống đe dọa rất lớn tính mạng và tài sản.
Cần giải pháp khả thi
Để bảo đảm an toàn khi mưa lớn kéo dài, huyện Nam Trà My chủ động phương án di dời người dân, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang đang ở nội trú và làm việc tại các cơ quan, đơn vị đến các điểm sơ tán đã được xác định. Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cấp hơn 74 tỷ đồng thực hiện dự án kè chống sạt lở tại những vị trí xung yếu khu Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My.
Còn đối với các khu dân cư, việc sắp xếp dân cư, bố trí tái định cư cho người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở được huyện quan tâm hàng đầu. Từ năm 2021 đến nay, huyện Nam Trà My đã phê duyệt phương án cho 20 khu tái định cư với 944 hộ được bố trí chỗ ở mới; trong đó, 14 khu dân cư đã xây dựng xong, 6 khu tái định cư được phê duyệt trong năm 2024 đang triển khai thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho hay, huyện có 80% diện tích là đồi núi cao, nhiều sông suối. Độ cao trung bình 500-1.000m, dốc 25 độ về phía nam và thoải dần về phía bắc. Lượng mưa trung bình hằng năm hơn 3.000 mm, tập trung vào tháng 9 đến tháng 12. Dân cư phân bố nhỏ lẻ ở các đỉnh núi, mỗi làng vài chục hộ dân. Bà con thường chọn làm nhà ở dải đất một bên đồi núi cao, một bên vực thẳm dẫn đến nguy cơ sạt lở luôn thường trực ở mức độ cao.
Vì thế, mỗi khi có mưa to kéo dài, ngay lập tức địa phương kích hoạt phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và “3 sẵn sàng” gồm: Phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Hiện nay, huyện Nam Trà My đã thành lập lực lượng xung kích địa phương khoảng 700 người để kịp thời ứng phó khẩn cấp khi xảy ra thiên tai. Nếu lực lượng tại chỗ thiếu thì huyện sẽ điều động, bổ sung lực lượng ở các xã khác đến chi viện trong khi chờ lực lượng cấp trên xuống.
“Đối với quả đồi sau lưng dãy phòng làm việc của các phòng, ban chuyên môn thuộc trung tâm hành chính huyện, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã bố trí kinh phí hơn 74 tỷ đồng để làm bờ kè gia cố sạt lở cho khu vực. Tuy nhiên, đây là một quả đồi độc lập, nếu có thêm kinh phí thì huyện sẽ hạ thấp quả đồi xuống, như vậy vừa giải quyết triệt để được vấn đề sạt lở, vừa có thêm quỹ đất để bố trí tái định cư, đồng thời cải tạo được cảnh quan của trung tâm huyện”, đồng chí Trần Duy Dũng bày tỏ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Trần Út cho biết, trên địa bàn các địa phương miền núi của tỉnh đã có nhiều vùng, nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao, trong đó huyện Nam Trà My xuất hiện nhiều vị trí xung yếu. Hiện mùa mưa vẫn còn thì địa phương phải tập trung triển khai huy động tất cả các nguồn lực và có kế hoạch, đề nghị các cơ quan phối hợp, hỗ trợ để làm tốt các công tác phòng chống thiên tai, nhất là công tác di dời, sắp xếp dân cư nhằm bảo đảm được tính mạng cho người dân khi xảy ra sạt lở.
“Để tìm vị trí tái định cư cho một làng ở miền núi thì đây là vấn đề khó chung chứ không riêng gì huyện Nam Trà My. Hơn nữa nguồn lực đầu tư vào đây rất lớn, cùng một lúc thì ngân sách tỉnh không thể bố trí hết được. Đây là vấn đề hết sức khó khăn cho Quảng Nam”, ông Trần Út nhấn mạnh.
Xem bài viết gốc tại đây