|
Quốc hội thảo luận tại hội trường. |
Đa số các đại biểu đồng ý với tên gọi của Dự thảo luật. Theo đại biểu Lê Văn Hoàng (đoàn Đà Nẵng), tên gọi ngắn gọn, bao quát đầy đủ, toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng chống thiên tai đồng thời thể hiện thái độ chủ động tích cực trong phòng chống thiên tai.
Về nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai, các ý kiến cũng đồng tình phương châm 4 tại chỗ, bởi đây là phương châm đã được áp dụng từ nhiều năm nay mang lại hiệu quả thiết thực, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của phương châm này trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình), Triệu Là Phan (Hà Giang) đề nghị Dự thảo luật bổ sung quy định chính sách về: Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng thường xuyên bị thiên tai; di dời dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ về đời sống và sản xuất đối với các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra và ưu tiên các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai...
Tán thành với quy định như trong Dự thảo về nguồn nhân lực trong phòng chống thiên tai, tuy nhiên các đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị cần làm rõ vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang (LLVT) trong lĩnh vực này. Ngoài ra cũng có ý kiến e ngại nếu quy định cứng như Dự thảo luật sẽ tạo sự ỷ lại cho các tổ chức, cá nhân trong phòng chống, thiên tai.
Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tế khi xảy ra thiên tai thì LLVT luôn là lực lượng nòng cốt trong hoạt động ứng phó và khắc phục thiên tai. Do vậy, Dự thảo luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của LLVT trong phòng chống thiên tai để Nhà nước có sự đầu tư tài chính, đồng thời cũng là khẳng định rõ nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong công tác này.
Ngoài ra, một số vấn đề về tài chính cho hoạt động phòng chống thiên tai, Quỹ phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Theo đại biểu Tố Nga (Nam Định), để tránh gánh nặng cho ngân sách cũng nên triển khai chương trình bảo hiểm thiên tai mang tầm cỡ quốc gia và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia, bởi diễn biến về thiên tai hiện ngày càng phức tạp, việc triển khai bảo hiểm bảo đảm nhân dân và nhà nước cùng chia sẻ góp phần phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nhấn mạnh việc thành lập Quỹ phòng chống thiên tai mang tính chất bắt buộc là cần thiết, nhưng cần quy định rõ nguyên tắc hoạt động của Quỹ, mức đóng góp cũng như cần công khai hoạt động để người dân yên tâm. Vì đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội (như doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có mức thu nhập khác nhau) nên sẽ có sự khác biệt về phương thức xác định mức đóng góp.
Đánh giá cao về sự cần thiết và công tác chuẩn bị công phu, các đại biểu đồng tình Dự thảo Luật có thể thông qua tại kỳ họp này, nhưng vẫn còn có nhiều điều quy định chung và phải giao cho Chính phủ hướng dẫn tiếp. Các đại biểu đề nghị để luật đi vào cuộc sống thì các bộ, ngành liên quan cũng cần sớm bắt tay xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn ngay khi Luật được thông qua và có hiệu lực.