Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, cho rằng: Miền Trung, nơi thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai bão, lũ gây ra, kinh tế chậm phát triển, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do ảnh hưởng của thiên tai; nhất là trong những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp; bão, lũ xảy ra liên miên và ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho đồng bào cả nước nói chung và miền Trung nói riêng.
Từ thực tế đó, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung được thành lập nhằm kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tham gia ủng hộ cho Quỹ để giúp đồng bào miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) chủ động phòng tránh thiên tai…
|
Nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai ở Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) do Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung xây dựng. Ảnh: NGUYỄN HÙNG |
Ông Nguyễn Đăng Lâm, Giám đốc điều hành quỹ, cho biết: Đến nay, quỹ đã vận động tài trợ được 97,6 tỷ đồng và riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã nhận được sự cam kết của các nhà tài trợ là 35,2 tỷ đồng. Với số tiền đó, quỹ đã tiến hành xây dựng được 55 công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai; trong đó, có 46 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đối với người dân miền Trung, các công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai đã thực sự góp phần giảm bớt gánh nặng, nỗi lo toan trước mỗi mùa mưa bão. Cô giáo Phan Thị Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Xuyến, xã Đại Hòa - một công trình công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai được Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung bàn giao từ tháng 6 năm 2010, bày tỏ: “Mỗi năm Quảng Nam phải hứng chịu từ 5 - 7 cơn bão, lũ lụt, trong khi đó Đại Hòa là vùng lũ thấp nhất huyện Đại Lộc.
Còn nhớ trong những trận lũ lịch sử năm 2007 và 2009, cả Đại Hòa bị ngập trắng, tất cả người dân không kịp di dời run rẩy khấn thầm cơn lũ mau qua”. Bởi vậy, khi có công trình này người dân thật sự vui mừng. “Đây là một công trình được xây dựng với kết cấu vững chắc. Nhà có cầu thang ngoài để vào mùa lũ lụt, thuyền bè của dân còn có chỗ để cập bến, lên xuống. Ngày bình thường, công trình là trường tiểu học với 8 phòng. Lũ về là người dân lại kéo nhau đến đây”. Cô giáo Hà hồ hởi chia sẻ.
Ông Trần Văn Minh, Phó ban tổ chức Trung ương, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng, “Biện pháp đặt vấn đề về chiến lược của Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung rất đúng. Đó là xây dựng nhà tránh lũ, trồng rừng và tuyên truyền các kiến thức cơ bản về tránh lũ cho cán bộ và đồng bào vùng thường xuyên bị ngập lụt. Vừa rồi, tại một hội thảo về ứng phó với biến đổi khí hậu, tôi đã đưa hình ảnh mô hình nhà tránh lũ đa năng của Đà Nẵng và được nhiều nhà khoa học, chuyên gia hoan nghênh. Việc xây dựng các dự án này là việc làm rất thiết thực và có tác dụng lâu dài, cho nhiều thế hệ”.
55 công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai được xây dựng thông qua Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, cho đến nay vẫn chỉ là những công trình điểm. Bởi còn rất nhiều nơi trong cả nước, người dân đang phải sống chung với lũ, hàng nghìn người đang phải đối diện với hậu quả khó lường của thiên tai và đang rất cần những công trình tương tự.
Vì vậy, ngoài những nỗ lực mà Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã và đang làm, nếu có sự đầu tư của Nhà nước, sự chung tay từ cộng đồng, số quỹ sẽ nhân lên hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Có như vậy mới giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả không chỉ người dân miền Trung mà cả nước trong phòng, tránh thiên tai.