Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc về nguồn tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai. Theo đó, Nguồn tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm: Ngân sách Nhà nước, Quỹ Phòng, chống thiên tai và nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân.
Trong đó, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng Quỹ Phòng, chống thiên tai là quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và sử dụng. Quỹ Phòng, chống thiên tai không bao gồm ngân sách Nhà nước. Nguồn tài chính của Quỹ Phòng, chống thiên tai gồm, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo mức độ hợp lý do Chính phủ quy định; Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.
Đồng tình với việc nên thành lập Quỹ phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển bổ sung: “Luật nên có quy định điều phối nguồn lực đóng góp tự nguyện từ xã hội sao cho đảm bảo tính công bằng, hiệu quả vì hiện nay vẫn có tình trạng mạnh ai nấy làm, dẫn đến chỗ được hỗ trợ nhiều lần, chỗ lại không. Có những gia đình được ủng hộ tới dăm bảy chục triệu đồng, nhưng có gia đình lại không được gì. Như thế không công bằng, nên cần có quy định cụ thể nào đó”. Ủng hộ quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, việc quản lý Quỹ cũng phải có quy định cụ thể, rõ ràng. Bởi chính việc đóng góp không công minh rõ ràng, người ta mới phải tự đi đến nơi để ủng hộ đồng bào lũ lụt.
Bổ sung vào ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, nguồn Qũy này quá lớn, ngân sách không thể gánh nổi, vì thế phải huy động các nguồn lực xã hội. Ngoài ra quỹ này cần phải làm rõ hơn ai đóng góp, đóng góp như thế nào, hằng năm cần đóng góp hay chỉ khi xảy ra thiên tai...
Về các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, lực lượng tại chỗ mới là lực lượng phòng chống thiên tai hiệu quả nhất và phải được coi là lực lượng chủ chốt.
Kết thúc phiên thảo luận, đa số đại biểu đồng tình với việc phát huy sức mạnh của lực lượng “4 tại chỗ”, và đối với lực lượng chủ đạo, cần lấy lực lượng vũ trang làm nóng cốt. “Xảy ra sự cố trên biển, không ai khác ngoài lực lượng vũ trang trên biển thực hiện nhiệm vụ. Hay xảy ra cháy rừng, đơn vị phòng chống vẫn là lực lượng quân đội, công an. Sự cố sinh học cũng tương tự… Thực tế đó cho thấy lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt sẽ phù hợp với thực tiễn”, Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Quang Khuê nhấn mạnh.