ĐBSCL nằm ở cuối dòng chảy của sông Mekong trước khi đổ ra biển Đông và một phần nhỏ ra vịnh Thái Lan. Đây là vùng đất thấp và bằng phẳng, cao độ trung bình phổ biến ở nhiều nơi từ 1-2 mét so với mực nước biển. Vùng ĐBSCL có diện tích gần 4 triệu ha (39.734 km2), trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700.000 ha đất nuôi trồng thủy sản. ĐBSCL được xem là vựa lúa lớn nhất cả nước, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo (trong đó, góp 90% lượng gạo xuất khẩu), hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.
Trong hơn hai thập kỷ trở lại đây, diễn biến thời tiết và thiên tai đang có xu hướng thay đổi thất thường ở nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam nằm trong số các nước chịu ảnh hưởng nhiều của hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH); trong đó, ĐBSCL đã được nhiều nhà khoa học và tổ chức quốc tế cảnh báo là nơi chịu tác động lớn nhất của hiện tượng BĐKH và nước biển dâng (NBD). ĐBSCL chịu tác động của lũ thượng nguồn vào mùa mưa, vừa chịu tác động của xâm nhập mặn vào mùa khô và các tác động của diễn biến thời tiết phức tạp khác như: Nhiệt độ gia tăng, phân bố mưa bất thường, khô hạn kéo dài, lốc xoáy… BĐKH và NBD sẽ tác động lớn đến hệ sinh thái, các quá trình sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, gây khó khăn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Diện tích canh tác nông nghiệp như lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp, năng suất và sản lượng giảm; các hệ sinh thái bị biến đổi, các tài nguyên rừng, đất, nước, khoáng sản, sinh vật hoang dã sẽ bị xâm lấn và biến đổi. Rất có thể sẽ có sự di dân ở các vùng bị ảnh hưởng lên các vùng cao hơn, khiến các quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị bị phá vỡ, môi trường xuống cấp mạnh ngoài dự đoán.
Hiện nay, các địa phương đang tiến hành đánh giá, dự đoán tác động của BĐKH và NBD nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động ứng phó, có các giải pháp và hành động thích nghi, giảm nhẹ tác động theo quan điểm “sống chung với biến đổi khí hậu”. Vì vậy, việc hình thành “Mạng lưới cộng đồng chung tay ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL” là cần thiết và được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh ĐBSCL hưởng ứng tích cực.
Ban Điều hành “Mạng lưới cộng đồng chung tay ứng phó với BĐKH&NBD vùng ĐBSCL”
Với mục tiêu là đầu mối huy động và liên kết cộng đồng, các tổ chức, các nhà khoa học, các cá nhân chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề BĐKH và NBD; chia sẽ thông tin các dự án, chương trình và biện pháp có liên quan đến BĐKH và NBD ở Việt Nam và ĐBSCL; khởi xướng và phổ biến những mô hình, hành động có hiệu quả trong giải quyết thách thức của BĐKH.
Các nhiệm vụ chính của “Mạng lưới cộng đồng chung tay ứng phó BĐKH và NBD vùng ĐBSCL” là hình thành kênh chia sẻ thông tin về các vấn đề liên quan tới BĐKH và NBD; hỗ trợ các thành viên trong mạng lưới nâng cao năng lực ứng phó BĐKH và NBD; điều phối các hoạt động trong vùng nhằm thống nhất hành động và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên và mạng lưới; chuyển tải kết quả các dự án liên quan BĐKH và NBD cộng đồng tới các cơ quan quản lý nhà nước; phổ biến các mô hình, phương thức có hiệu quả trong giải quyết các vấn đề có liên quan tới BĐKH và NBD dựa vào cộng đồng, phối hợp và bổ sung cho những nỗ lực của Chính phủ và địa phương.
Ngoài ra, Liên hiệp Hội các tỉnh trong vùng làm đầu mối huy động các tổ chức đoàn thể (nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên…), các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tình nguyện, các câu lạc bộ, các cơ quan nhà nước và các đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội tham gia vào cơ cấu tổ chức của mạng lưới. Bên cạnh đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư và các bên liên quan về ảnh hưởng và tác động của BĐKH và NBD tới các mặt đời sống xã hội, tăng cường sự phối hợp với các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và báo chí để các chiến dịch truyền thông không chỉ thay đổi nhận thức mà còn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan; vận động các tổ chức đưa vấn đề ứng phó với BĐKH và NBD vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng/tỉnh/huyện/xã; triển khai thí điểm về giảm thiểu, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triên mô hình; trước mắt xây dựng mô hình “tận dụng rác thải sinh hoạt và phân động vật làm phân hữu cơ, góp phần giảm khí thải nhà kín ở ĐBSCL”; tổ chức Hội thi “Sáng tạo giải pháp bảo vệ môi trường thời biến đổi khí hậu”…