Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Sóc Trăng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến khảo sát khu vực rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, Chủ tịch nước đã yêu cầu tỉnh Sóc Trăng với lợi thế ven biển, có bãi bồi rộng, cần cố gắng bảo vệ và phát triển nhanh diện tích rừng phòng hộ ven biển, tạo vành đai chắn sóng, giảm nhẹ thiên tai, quy hoạch lại việc trồng rừng, thực hiện tốt việc giao đất khoán rừng, huy động nhân dân cùng tham gia trồng và bảo vệ rừng. Tỉnh cần chú ý đến các vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động mạnh và nhanh hơn dự báo vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng.
Với trách nhiệm địa phương, Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015 với 21 nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng cơ chế, chính sách và quản lý. Tỉnh cũng đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 dự án ưu tiên thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm Dự án xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng Ngã Năm với tổng vốn 236 tỷ đồng và Dự án Nâng cấp đê biển ứng phó khí hậu và nước biển dâng huyện Cù Lao Dung có tổng vốn 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay cả 2 Dự án này vẫn chưa được trung ương bố trí vốn.
Tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Mỏ Ó, nơi đang triển khai dự án đồng quản lý rừng phòng hộ ven biển với mục tiêu lấn biển thêm rừng, chống hiện tượng biến đổi khi hậu, công việc trồng rừng lấn biển đang được thực hiện khẩn trương. Là tỉnh ven biển, Sóc Trăng có 72 km bờ biển, toàn tỉnh hiện có trên 5.000 ha rừng phòng hộ thuộc các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Việc phát triển hệ trồng rừng phòng hộ sẽ giúp tỉnh hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển.
Với lợi thế có bờ biển dài, bãi bồi rộng, Sóc Trăng còn có 3 cửa sông đổ ra biển là cửa Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh nên tỉnh có thể phát triển mạnh diện tích trồng rừng ven biển. Tuy nhiên, tác động ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến vùng ven biển cũng như những vùng đất trũng sâu trên địa bàn như các vùng trũng Ngã Năm, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, nếu nước dâng lên sẽ gây ngập nặng.
Trên thực tế, vào mùa mưa bão những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hiện tượng thời tiết bất thường như: Sét đánh, dông, lốc xoáy gây sập nhà, thiệt hại người và của; triều cường, sạt lở ven sông Hậu, mưa lớn kéo dài làm vỡ đê bao sông Hậu, gây ngập úng trên nhiều huyện, thị... Rồi hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng làm thiệt hại hàng ngàn ha lúa, màu vào mùa khô. Dự báo, trong thời gian tới, do tác động của biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, nước biển dâng sẽ kéo theo sự thay đổi của thời tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp - đặc biệt là khu vực vùng trũng và khu vực ven biển của tỉnh; ảnh hưởng đến an ninh tài nguyên nước, lương thực và năng lượng.
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp Sóc Trăng, các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp chủ yếu là xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, xây dựng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với ngoại cảnh khắc nghiệt. Trong đó, tập trung nghiên cứu biện pháp thích ứng của cây trồng, vật nuôi kết hợp việc phòng chống và cải tạo tự nhiên. Ngoài việc quản lý chặt chẽ và tiết kiệm nước tưới cho cây trồng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu để giảm lượng nước thất thoát, rò rỉ bằng giải pháp bê tông hóa và kiên cố hóa kênh mương; tiếp tục nghiên cứu các công nghệ tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm nước và nâng cao năng suất cây trồng. Cụ thể như lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt (tiết kiệm được ½ lượng nước tưới so với tưới bơm như hiện nay) trên diện tích trồng rau màu tại các địa phương khan hiếm về nguồn nước, nước tưới bị nhiễm mặn ở Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu…)
Tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi ở vùng trồng màu, trồng lúa để đáp ứng nhu cầu tưới nước và tiêu úng cho những khu vực bị ngập. Tỉnh cũng tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi tại những khu vực thiếu nước tưới là giải pháp ưu tiên trong nông nghiệp nhằm đảm bảo sản xuất và thích ứng với tình trạng nắng hạn do biến dổi khí hậu gây ra (khu vực ven biển, ven sông Hậu); đầu tư xây dựng hệ thống cống, đập, nạo vét hệ thống kênh mương nhằm tiêu úng và ngăn mặn từ phía tỉnh Bạc Liêu sang cho vùng trũng Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú thông qua việc đầu tư xây dựng các đập trên kênh Quản Lộ Phụng Hiệp. Việc phát triển và chọn tạo các giống cây trồng chống chịu với các điều kiện bất lợi và thành lập ngân hàng giống cũng được tỉnh quan tâm.