Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam luôn được coi là cuộc đấu tranh sinh tồn, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc theo tiến trình lịch sử.
Công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm và triển khai trong nhiều năm qua với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân thực hiện và dân kiểm tra”.
Từ năm 2000, các tổ chức quốc tế đã phối hợp với chính quyền các cấp tại Việt Nam triển khai các dự án về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở Việt Nam. Đến nay, đã có 17 tổ chức trong nước, quốc tế và phi chính phủ đã và đang triển khai các hoạt động về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng ở 23 tỉnh/ thành phố nêu trên, chiếm 35% trên tổng số 64 tỉnh/ thành phố trong cả nước.
Trên cơ sở những yêu cầu trong nâng cao nhận thức về thiên tai và quản lý thiên tai của các cấp quản lý và cộng đồng người dân trước những xu thế bất lợi gia tăng của thiên tai, biến đổi khí hậu; đồng thời huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng” (Sau đây gọi là Đề án) tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009. Đây được xem là những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ huy động mọi nguồn lực xã hội, người dân trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1002/Q Đ-TTg ngày 13/7/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy lợi), Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì tổ chức thực hiện Đề án. Để triển khai nhiệm vụ của Bộ, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai với sự hỗ trợ của Cơ quan Oxfam, Chương trình Phát triển liên hiệp quốc tại Việt Nam, phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam trong Nhóm công tác về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM-TWG), Sáng kiến Mạng lưới vận động chính sách về Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam (JANI) đã xây dựng tài liệu Hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án của Chính phủ. Hiện nay, tài liệu Hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng” đã được Tổng cục Thủy lợi phê duyệt tại Quyết định số 666/QĐ-TCTL-ĐĐ ngày 22/8/2011. Tài liệu Hướng dẫn được xây dựng với mục đích:
· Giúp các cán bộ quản lý liên quan đến quản lý thiên tai các tỉnh, thành phố nhận thức ban đầu về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng hiện đã được áp dụng tại nhiều quốc gia.
· Hướng dẫn xây dựng cơ cấu tổ chức thực hiện đề án tại các cấp đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của Đề án.
Tài liệu hướng dẫn được xây dựng trên cơ sở hệ thống hóa các tài liệu hướng dẫn và phương pháp triển khai thực hiện quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng đã được xây dựng từ nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tại Việt Nam. Tài liệu là cơ sở để xây dựng các tài liệu quan trọng khác như:
· Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ cho các cấp, đặc biệt cấp xã.
· Hướng dẫn chính sách và cơ chế thực hiện quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng
· Hướng dẫn theo dõi, đánh giá các hoạt động thuộc Đề án
· Hướng dẫn chế độ, mẫu biểu báo cáo các hoạt động của Đề án.
· Một số Hướng dẫn kỹ thuật (Xây dựng bản đồ do dân xây dựng, xây dựng cơ sở dữ liệu đối chứng,….)
Đối tượng của tài liệu muốn hướng đến là: Các cơ quan quản lý nhà nước các Bộ, ngành và các cấp của các tỉnh, thành phố; các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm hỗ trợ việc thực hiện Đề án hoặc lồng ghép với các hoạt động khác liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Với những mục tiêu trên, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai mong muốn, cuốn tài liệu sẽ giúp các cán bộ nhà nước các cấp làm việc trực tiếp đến phòng chống và giảm nhẹ thiên tai hiểu về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; xây dựng bộ máy tổ chức thống nhất triển khai các nội dung của Đề án đảm bảo đạt được các mục tiêu riêng của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố và mục tiêu chung của Đề án Chính phủ.