Trong năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một số hoạt động chính sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua nguồn ngân sách Trung ương cấp cho Bộ cùng với một phần kinh phí từ UNDP, WB đã tổ chức đào tạo cho 63 tỉnh, thành phố với 737 giảng viên cấp tỉnh; Đào tạo tại 15 huyện của tỉnh Kiên Giang với 108 giảng viên cấp huyện. Đối với kế hoạch năm 2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 83/TTr-BNN-TCTL ngày 08/1/2013 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án đến năm 2015.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 tại Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 08/9/2011; Dự thảo và lấy ý kiến đóng góp các tiểu Đề án đưa kiến thức về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai trong các cấp giáo dục và đào tạo giai đoạn 2013-2020; phê duyệt tài liệu tham khảo về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác với các đối tác triển khai các hoạt động lồng ghép quản lý thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào trong các cấp giáo dục, đào tạo.
Để triển khai công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng, công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nói chung, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai đã phối hợp với UNDP tổ chức cuộc họp cuối năm ngày 05/2/2012 với các đối tác liên quan trong nước và quốc tế, đặc biệt là đại diện Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục - đào tạo) về việc chia sẻ thông tin, phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục từ 2011 đến 2020 và Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Cuộc họp đã chia sẻ một số nội dung như:
1. Dự thảo bộ chỉ số Giám sát – Theo dõi việc thực hiện Đề án CBDRM do Nhóm công tác CBDRM xây dựng; dự kiến lồng ghép với kế hoạch của tổ chức PLAN trong lấy ý kiến trước khi trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn Giám sát, đánh giá.
2. Báo cáo kết quả triển khai xây dựng Cổng thông tin dự án quản lý thiên tai của Việt Nam giai đoạn 1. Ngoài những kết quả đạt được, Trung tâm cũng đã đưa ra những khó khăn, thách thức và một số nội dung chính dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2.
3. Phương pháp luận và kết quả danh sách 6000 xã dự kiến thực hiện Đề án CBDRM của Dự án Nâng cao năng lực thể chế về quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1 (Dự án SCDM) do UNDP tài trợ
4. Kết quả ứng dụng và nâng cấp phần mềm DesInventar cùng với phần mềm DANA trong phân tích thiệt hại và đánh giá nhu cầu sau thiên tai tại Việt Nam. Hoạt động được hỗ trợ thông qua Dự án Nâng cao năng lực thể chế về quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1 (Dự án SCDM) do UNDP tài trợ.
5. Chia sẻ thông tin về các hoạt động triển khai Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dự kiến các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục - đào tạo) trong triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020.
Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em triển khai nhiệm vụ “Xây dựng đề án thu thập, xử lý thông tin, kiểm tra, đánh giá trước, trong và sau thảm họa nhằm lập kế hoạch chuẩn bị, ứng phó, khắc phục hậu quả” với kết quả mong muốn đạt được là xây dựng hệ thống thông tin hai chiều và hệ thống quản lý thông tin của ngành giáo dục. Giải pháp cho hoạt động này sẽ cơ bản dựa trên bộ công cụ thu thập thông tin đã được UNESCO và UNICEF xây dựng thực hiện thông qua các bước như: Xây dựng tài liệu hướng dẫn, xây dựng phần mềm thu thập thông tin, văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện thí điểm, đánh giá và tổ chức trên phạm vi toàn quốc, xây dựng cổng thông tin điện tử về các hoạt động, dự án về quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu của ngành giáo dục.
6. Những đánh giá và kết quả đạt được khi ứng dụng dịch vụ sử dụng tin nhắn SMS trong truyền tin khẩn cấp đến cộng đồng người dân tại một số xã tại tỉnh Thừa Thiên Huế và t/p Đà Nẵng của Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children). Ngoài những đánh giá tích cực, một số thách thức liên quan đến nội dung tin cảnh báo, quản lý thuê bao và sử dụng dịch vụ mạng của các công ty viễn thông tại Việt Nam.
7. Nội dung chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam do nhóm tư vấn của Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu chính của bản đề xuất là đưa ra một chương trình truyền thông phù hợp và toàn diện hỗ trợ Đề án CBDRM của Chính phủ.
8. Dự án JANI trình bày kế hoạch năm 2013 của dự án, trong đó tập trung vào hỗ trợ triển khai Đề án CBDRM của Chính phủ, một số hoạt động lồng ghép với hoạt động của Trung tâm, trong đó có nâng cao năng lực cho các cán bộ trẻ trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Tại cuộc họp nhiều ý kiến đã đưa ra và thảo luận xung quanh các nội dung cơ bản về bộ chỉ số và hướng dẫn giám sát, đánh giá Đề án CBDRM, tiêu chí và phương thức lựa chọn 6000 xã thực hiện Đề án CBDRM, làm rõ nội dung và những đề xuất trong dự án ứng dụng SMS trong truyền tin khẩn cấp đến cộng đồng của Tổ chức cứu trợ trẻ em và các nội dung liên quan đến các hoạt động và kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kết thúc thảo luận, một số nội dung trọng tâm đã được thống nhất như sau:
1. Việc hoàn thiện Bộ chỉ số và hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá là rất quan trọng. Trên cơ sở kết quả của Nhóm công tác về CBDRM xây dựng, Trung tâm cần nghiên cứu rút gọn bộ chỉ số, lựa chọn những chỉ số quan trọng. Đối với hướng dẫn tổ chức thực hiện cần rà soát và biên tập phù hợp để các địa phương dễ hiểu và dễ thực hiện.
Phối hợp với tổ chức PLAN tổ chức một số cuộc họp và hội thảo nhỏ để lấy ý kiến trước khi trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt; tổ chức tập huấn cho các tỉnh, thành phố về tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.
Nghiên cứu, xem xét bộ chỉ số của Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong quá trình rà soát và xây dựng bộ chỉ số giám sát và đánh giá của Đề án CBDRM.
2. Việc xác định 6000 xã thực hiện Đề án CBDRM là rất quan trọng và phải thực hiện ngay vì đây là điều kiện để triển khai các hoạt động tiếp theo, đặc biệt hỗ trợ các địa phương triển khai Đề án. Trên cơ sở kết quả của dự án SCDM, cần rà soát tiêu chí lựa chọn, danh sách các xã, lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức và ý kiến đồng thuận của địa phương trước khi báo cáo, trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong một số hoạt động của Trung tâm như cổng thông tin điện tử các dự án về giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, ứng dụng phần mềm DesInventar trong đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, trang thông tin điện tử của Trung tâm (DMC web),… đều nằm trong kế hoạch xây dựng Hệ thống quản lý thông tin thiên tai chung. Các phần mềm này được xem như một cấu phần của hệ thống và được liên kết dữ liệu và hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác.
Đối với cổng thông tin điện tử các dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, trong giai đoạn 2 dự kiến sẽ mở rộng mức chi tiết các thông tin đến cấp huyện, xã; thể hiện các kết quả trên bản đồ chi tiết đến cấp xã; cho phép các tổ chức cập nhật trực tiếp các thông tin dự án; tăng cường một số chức năng phân tích, đánh giá.
Đối với phần mềm DesInventar, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão trong việc xác định cụ thể các chức năng của phần mềm như thu thập, xử lý thông tin phù hợp, đặc biệt là cơ chế cung cấp thông tin, thu nhận và chia sẻ thông tin.
4. Cuộc họp thống nhất và nhấn mạnh việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị đầu mối của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là hết sức quan trọng. Đặc biệt trước mắt cần tham khảo, lấy ý kiến về tiêu chí và danh sách 6000 xã thực hiện Đề án CBDRM, Bộ chỉ số và hướng dẫn thực hiện Đề án CBDRM, Cơ sở dữ liệu của Đề án và tài liệu đào tạo, tập huấn về giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong lĩnh vực giáo dục.
Về cổng thông tin các dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, đại diện Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em đã nêu rõ: Việc xây dựng cổng thông tin là hết sức quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay chưa có cổng thông tin này trong lĩnh vực giáo dục, nhưng tương lai Bộ cũng sẽ xây dựng. Vì vậy, Trung tâm cần tham mưu với Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng và phát triển Cổng thông tin điện tử các dự án về giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam một cách toàn diện, đa ngành đa lĩnh vực. Trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả của Cổng thông tin chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ hợp tác để xây dựng cổng thông tin cho ngành giáo dục phù hợp với thiết kế chung và liên kết chặt chẽ với Cổng thông tin chung của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong thu thập, phân tích và quản lý thông tin.
5. Việc tổ chức các cuộc họp thường kỳ của Nhóm công tác CBDRM là hết sức quan trọng nhằm chia sẻ thông tin và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình triển khai Đề án CBDRM. Vì vậy, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai cần xây dựng nội dung, kế hoạch hoạt động của Nhóm hàng năm, đặc biệt cần có sự tham gia của các cơ quan liên quan trong triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và một số cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức đã hỗ trợ Trung tâm trong quá trình thực hiện Đề án CBDRM, ghi nhận những ý kiến đóng góp xây dựng của các tổ chức đối với một số hoạt động của Trung tâm và sẽ chỉ đạo các phòng chức năng triển khai và trong quá trình thực hiện sẽ lấy thêm ý kiến kỹ thuật của các tổ chức liên quan. Về kế hoạch hoạt động của Nhóm công tác CBDRM, Trung tâm luôn xác định, đánh giá cao mô hình và sự hỗ trợ của Nhóm trong quá trình thực hiện Đề án CBDRM trong năm vừa qua, nhấn mạnh cần củng cố, đẩy mạnh sự tham gia và hoạt động của Nhóm trong thời gian tới.
Nhân dịp năm mới, Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai chúc cho sự hợp tác giữa Trung tâm với các tổ chức luôn chặt chẽ trong công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng, công tác quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam nói chung./.