Ông Lý Phát Việt Linh - Chuyên gia Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Biến đổi khí hậu - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam chia sẻ tại khoá tập huấn.
Phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - cho biết: Một cộng đồng an toàn trước thiên tai, sạch và xanh là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới, trong đó người dân và chính quyền địa phương có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để chủ động phòng ngừa giảm thiểu rủi ro cũng như huy động được các nguồn lực sẵn có để ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả thiên tai, tạo nên một môi trường xanh và sạch đẹp, góp phần phát triển bền vững.
Với ý nghĩa đó, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã phối hợp với UNICEF xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn thực hiện mô hình cộng đồng an toàn, sạch và xanh với sự tham gia nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm tổng hợp các bài học kinh nghiệm và mô hình trong công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam như chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới của Chính phủ, đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ UNICEF và nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, với mong muốn đưa ra nhiều giải pháp có hiệu quả, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn.
Tại khóa tập huấn, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai đã cử 8 cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo về quản lý RRTT DVCĐ, thích ứng BĐKH tham dự nhằm tiếp thu những nội dung mới về mô hình cộng đồng an toàn sạch và xanh cũng như tăng cường năng lực và hình thành đội ngũ tập huấn viên nòng cốt, có kinh nghiệm hỗ trợ địa phương, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai triển khai mô hình. Với tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng chia sẻ, đội ngũ cán bộ Trung tâm đã tham gia tích cực các hoạt động của khóa tập huấn và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn khi làm việc với cấp xã.
Các học viên chụp ảnh cùng Ban Tổ chức.
Bộ tài liệu Hướng dẫn thực hiện mô hình cộng đồng an toàn, sạch và xanh bao gồm 05 trụ cột chính:
1. Nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi và giáo dục;
2. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu;
3. Cải thiện công tác ứng phó với thiên tai;
4. Phục hồi hiệu quả và “xây dựng lại tốt hơn” trong phục hồi và tái thiết;
5. Bảo vệ môi trường.
Hình ảnh 05 trụ cột chính, nguyên tắc và điều kiện thuận lợi của mô hình.
Sau lớp học, các giảng viên, tập huấn viên của Trung tâm đã nắm vững các nội dung, nguyên tắc, hoạt động của mô hình và được Ban Tổ chức đánh giá cao. Dự kiến sau khóa tập huấn, từ ngày 21-25/8/2023, giảng viên của Trung tâm sẽ tham gia triển khai mô hình cộng đồng an toàn sạch và xanh tại cấp xã của tỉnh Sóc Trăng và các xã khác của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu trong tháng 9.
Một số hình ảnh khác tại khóa tập huấn:
Tập huấn viên của Trung tâm chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn khi làm việc với địa phương.
Tập huấn viên của Trung tâm hướng dẫn các học viên trò chơi khởi động trước khi vào bài học.
Tập huấn viên của Trung tâm góp ý Kế hoạch bài giảng và hướng dẫn Lập kế hoạch hành động cấp xã - Trụ cột 1 của mô hình cộng đồng an toàn sạch và xanh.
Tập huấn viên của Trung tâm hướng dẫn các học viên hiểu, phân biệt các khái niệm: “Biến đổi khí hậu”, “ Khí hậu” và “ Thời tiết”.
Tập huấn viên của Trung tâm tham gia thí giảng tại lớp tập huấn.