Khóa tập huấn có sự tham gia của lãnh đạo, chuyên viên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng; Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng; Trung tâm Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai Đà Nẵng (thuộc Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Đà Nẵng); Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; Hội Người khuyết tật; học sinh Điếc từ các trường Tương Lai, Hy Vọng và Thanh Tâm tại Đà Nẵng; giáo viên phụ trách các học sinh Điếc tại Làng Hy Vọng, Trung tâm Giáo dục và Hỗ trợ người Điếc miền Trung - Văn phòng tại Đà Nẵng, trường Nguyễn Đình Chiểu, Tương Lai, Thanh Tâm; CLB Điếc tỉnh Tiền Giang.
Phát biểu tại khóa tập huấn, Bà Mai Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (CORMIS) cho biết, tại Điều 3 Luật Phòng chống thiên tai đề cập Người khuyết tật là một trong những nhóm dễ bị tổn thương trong thiên tai, họ có những điểm yếu khiến họ có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm khác trong cộng đồng. Trong nhóm Người khuyết tật, người Điếc có những khó khăn đặc thù khi có thiên tai xảy ra. Vì nhiều lý do, họ không tiếp cận được thông tin cảnh báo sớm nên nhiều người Điếc khó chủ động ứng phó. Điều này làm tăng mức độ rủi ro của người Điếc.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được các chuyên gia đến từ Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai; Trung tâm Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai Đà Nẵng; Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng phần chia sẻ thông tin về chính sách hoà nhập Người khuyết tật (NKT), bao gồm người Điếc trong phòng chống thiên tai (PCTT); tình hình thiên tai tại Đà Nẵng; các điểm mạnh, yếu của người Điếc Đà Nẵng trong phòng chống thiên tai… được thảo luận rất sôi nổi.
Các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, giáo viên các trường học cũng đóng góp ý kiến rất tích cực để xây dựng kế hoạch hỗ trợ người Điếc tham gia phòng chống thiên tai hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động chia sẻ thêm thông tin về chính sách hỗ trợ Người khuyết tật bao gồm Người Điếc sau thiên tai để các em có thể chia sẻ thông tin đúng cho các hội viên trong Câu lạc bộ của mình. Đặc biệt, các em Điếc, kể cả nữ chủ động tham gia phát biểu ý kiến liên tục trong khoá học. Điều này làm cho không khí lớp học rất sôi nổi, mặc dù việc tham gia ý kiến chỉ nhìn thấy qua ngôn ngữ ký hiệu.
Các học viên, giáo viên và cán bộ thảo luận.
Qua khoá tập huấn này, Trung tâm Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai tại thành phố Đà Nẵng nhận ra sự thiếu sót trong việc việc đưa NKT, bao gồm Người Điếc tham gia vào các hoạt động PCTT tại cộng đồng. Điều này thể hiện trong việc thiếu thông tin về nhóm đối tượng này trong các báo cáo số liệu thiệt hại liên quan đến NKT, Người Điếc sau thiên tai và việc thiếu thông tin cảnh báo cho Người Điếc tại thành phố Đà Nẵng. Đại diện của Trung tâm Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai cũng đưa ra các thách thức cần tìm ra giải pháp hỗ trợ thực hiện cảnh báo sớm về thiên tai cho Người Điếc tại thành phố Đà Nẵng, trong đó các cán bộ làm công tác PCTT không hiểu ngôn ngữ ký hiệu và chưa thể truyền tải thông tin đến người điếc (ngôn ngữ ký hiệu khó truyền tải các bản tin cảnh báo thiên tai); chưa có quy định, hướng dẫn đặc thù cho Người Điếc trong PCTT.
Cũng tại lớp tập huấn, một số giải pháp ưu tiên cần làm để thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn của các bên liên quan, tăng cường sự tham gia của NKT, Người Điếc trong các hoạt động PCTT tại Đà Nẵng đó là: (1) Xác định số lượng Người Điếc tại ĐN; (2) tập huấn nhóm tập huấn viên Người Điếc về phòng chống thiên tai; (3) tổ chức các hoạt động truyền thông về PCTT cho người Điếc, người phiên dịch và người thân của họ ở cộng đồng; (4) xây dựng từ điển PCTT theo ngôn ngữ ký hiệu; (5) Thống nhất cơ chế cảnh báo sớm cho Người Điếc và xây dựng các bản tin mẫu về cảnh báo thiên tai có ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc; (6) Xây dựng mạng lưới cảnh báo sớm cho Người Điếc Đà Nẵng và (7) Xây dựng tài liệu phòng chống thiên tai cho Người Điếc.
Sau khoá tập huấn này, Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai mong muốn phối hợp với Trung tâm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, Hội NKT, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, CORMIS trong việc xây dựng kế hoạch thúc đẩy hoà nhập NKT nói chung và Người Điếc nói riêng trong công tác PCTT tại thành phố Đà Nẵng, đặc biệt theo Đề án Xây dựng thành phố an toàn trước thiên tai và Đề án 553 của Chính phủ.
Một số hình ảnh tại khóa tập huấn
Ông Bùi Quang Huy (ngoài cùng bên phải) - Phó Giám đốc Trung tâm Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai - trình bày tham luận tại tập huấn.
Ông Nguyễn Vĩnh Long, Trung tâm Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai Đà Nẵng trình bày tham luận tại tập huấn.
Ông Trịnh Quang Hòa, Chủ nhiệm CLB người Điếc Đà Nẵng trình bày tham luận tại tập huấn.
Ông Nguyễn Khắc Phục - Chủ nhiệm CLB Điếc Tiền Giang trình bày tham luận tại tập huấn.
Đại diện sở ban ngành của thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Chính sách và KT PCTT và giáo viên phụ trách các học sinh Điếc cùng thảo luận xác định các điểm mạnh, điểm yếu trong công tác PCTT của Người Điếc và đưa ra các giải pháp để phát huy điểm mạnh, khắc phục các điểm yếu để nâng cao vai trò của cộng đồng Người Điếc và giảm thiểu tối đa các thiệt hại có thể xảy ra đối với cộng đồng người Điếc
Các học viên chụp hình lưu niệm tại tập huấn.