Ở vùng biển Xuân Hải (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), bà Nguyễn Thị Thu (80 tuổi) đứng bên mép sóng nói: “Trước kia làng chúng tôi cách bãi biển cả trăm mét, nhưng dần dà sóng biển tàn phá, lấy hết đi nhiều lớp nhà và uy hiếp hàng trăm hộ dân. Mấy năm nay nghe ở trên đầu tư kè biển chắn sóng, dân mừng lắm, trông cho thời tiết ổn định, các đơn vị thi công xong, bà con yên bụng khi mùa mưa tới”.
Trên công trường thi công kè biển Xuân Hải (giai đoạn 2), công nhân đang huy động mũi khoan hạng nặng đóng trụ bê tông xuống bờ cát tạo sống kè. Bên cạnh đó, các phương tiện khác đang cẩu, san gạt nền cát tạo khoảng chia cắt với mặt sóng biển nhằm tạo mặt bằng không nhiễm mặn, bảo vệ khu vực thi công. Không khí trên tuyến kè khá khẩn trương, vành đai bê tông chắn sóng khoảng 45 tỷ đồng bắt đầu hình thành trước sự quan tâm, theo dõi của hàng trăm hộ dân Xuân Hải.
Những trận mưa bão hồi cuối năm 2020 đã khiến rất nhiều diện tích đất đai, rừng phòng hộ, nhà dân ven bờ biển các thôn Phước Thiện, An Cường (xã biển Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị sạt lở, cuốn phăng ra biển. Giữa mưa vùi bão dập, hàng trăm hộ dân sống cảnh nơm nớp chạy sóng, phó mặc cho may rủi của trời đất. Sang mùa khô 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Ban Quản lý dự án (BQLDA) các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư ưu tiên thực hiện khẩn cấp tuyến kè biển Phước Thiện - An Cường (1,3km), với vốn khoảng 100 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra mái ta-luy hồ chứa nước Đồng Vạt, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch đang sửa chữa trước mùa mưa bão 2021
Song song với thi công kè biển bảo vệ đất đai, các địa phương cũng tranh thủ nâng cấp hàng loạt hồ chứa nhằm tăng công suất tích nước, giảm lũ trong mùa mưa, tăng mức chống chịu cho hồ đập khi lũ về.
Ông Đoàn Ngọc Lâm xác định: “Đảm bảo an toàn hồ đập tốt thì người dân yên tâm, hàng vạn người dân không bị uy hiếp bởi hồ đập quá tải, giảm thiểu thiệt hại trong mưa lũ. Do đó công tác rà soát các hồ đập trong mùa khô là rất quan trọng”.