Đặc phái viên Liên hợp quốc về giảm thiểu nguy cơ thiên tai, bà Margareta Oanxchom, cho biết những thiệt hại trong năm qua chủ yếu là do thảm họa kẹp động đất - sóng thần ở Nhật Bản và New Zealand. Ngoài ra, lũ lụt nghiêm trọng tại Thái Lan và một số nước Đông Nam Á cũng gây thiệt hại không nhỏ cho các nước.
Trong khi thiệt hại vật chất tăng lên rõ rệt, thương vong về người do thiên tai tại các nước đã giảm. Kết quả này có được là nhờ các nước đã chú trọng hơn tới công tác phòng chống thiên tai, hệ thống cảnh báo sớm và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Bà Oanxchom nêu rõ 50% dân số thế giới đang có nguy cơ chịu tác động của thiên tai do họ đang sống ở những khu vực dễ bị tác động. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế dễ bị thiệt hại do thiên tai và người dân nước này có nguy cơ bị thiên tại tấn công cao thứ hai thế giới. Quan chức Liên hợp quốc đã đánh giá cao những nỗ lực của Nhật Bản trong việc chuẩn bị cho việc đối phó với thiên tai nhưng nhiều bài học cũng cần được rút kinh nghiệm từ trận động đất 9 độ Richter và sóng thần ngày 11/3/2011.
Đặc phái viên Oanxchom cho biết Chiến lược quốc tế Liên hợp quốc về giảm nhẹ thiên tai (UNISDR) bắt đầu tiến trình tham vấn kế hoạch quốc tế mới nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai để chuẩn bị cho hội nghị quốc tế về vấn đề này sẽ được tổ chức vào năm 2015 tại Nhật Bản.
Theo bà, cũng là người đứng đầu Ban thư ký của UNISDR, kế hoạch mới này sẽ được xây dựng trên cơ sở sự thành công của Khuôn khổ hành động Hyogo (HFA) 2005 - 2015 nhằm làm cho thế giới an toàn hơn trước thiên tai. Tuy nhiên bà cũng đưa ra cảnh báo năm 2050 thế giới sẽ cần thêm 50% lượng lương thực, thêm 45% năng lượng và 30% nước vì sự gia tăng của dân số. Những nhu cầu này sẽ góp phần làm gia tăng các thảm họa thiên nhiên. Bà khuyến cáo tất cả các quốc gia trong kế hoạch phát triển nền kinh tế của mình phải tính đến các tác động biến đổi khí hậu và thiên tai./.