Ngành chức năng tỉnh Lai Châu cắm biển cảnh báo, rào chắn để người dân đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)
Ngày 21/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - ban hành Công điện số 04/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Nội dung Công điện nêu rõ hiện nay, khu vực miền núi phía Bắc đang có mưa to đến rất to, đặc biệt tại Hà Giang mưa tới 350mm trong 10 giờ (từ 0-10 giờ ngày 21/7), làm 2 người chết, ngập sâu nhiều nơi tại thành phố Hà Giang.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ngày 21-22/7, vùng núi phía Bắc tiếp tục có mưa 50-100 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ; lũ thượng lưu sông Lô có khả năng đạt mức báo động 2 -3, ở hạ lưu gần mức báo động 1.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, giảm thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các bộ, ngành khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung:
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; triển khai ngay các lực lượng cứu hộ, di dời dân vùng bị ngập sâu.
Chỉ đạo chính quyền cơ sở và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống nguy hiểm.
Khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn;triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn theo cấp báo động.
Tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền, ngăn chặn không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh cần thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên, ven sông, suối; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh cần tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thuỷ điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh cần chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện, xã và các phương tiện thông tin của địa phương tăng cường thông tin về mưa lũ và các biện pháp phòng tránh đến được người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; triển khai đầy đủ các nội dung tại văn bản số 4793/BNN-PCTT ngày 18/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nội dung triển khai sau Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Công Thương cần chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, không để xảy ra các sự cố gây thiệt hại về người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; không cho phép tích nước nếu hồ đập không đảm bảo an toàn.
Bộ Giao thông Vân tải cần chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lũ lớn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần chỉ đạo các Quân khu, các lực lượng đóng chân trên địa bàn rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương khi có yêu cầu.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương cần tăng cường thông tin, truyền thông về tình hình thiên tai, thiệt hại và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiên tai.
Các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trước 16 giờ hàng ngày và ngay khi có tình huống đột xuất để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đường Minh Khai, khu vực trường Nội trú tỉnh Hà Giang bị ngập úng nặng. (Nguồn: Báo Hà Giang)
Trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ, suốt từ đêm 20/7 đến sáng 21/7 đã gây ngập úng cục bộ một số địa phương của tỉnh Hà Giang, khiến 2 người chết, 1 người bị thương, đồng thời gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu, nhiều công trình phúc lợi của Nhà nước và nhân dân.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, hai người chết là chị Lý Già Tin (44 tuổi) và Lý Thị Ơn (15 tuổi, con chị Tin) ở thôn Cóc Nắm, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì; 1 người bị thương là anh Đặng Văn Đại ở thôn 1 Hợp Nhất, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, bị lũ cuốn trôi.
Mưa lũ đã khiến hàng trăm ngôi nhà ở thành phố Hà Giang và một số địa phương trong tỉnh bị ngập, đất đá sạt lở tràn vào nhà dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Tại thành phố Hà Giang, khu vực trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh ngập cao trên 1,2m; tại các phường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung, Minh Khai, khu vực cây xăng Hà Yên, khu vực xã Phương Thiện (thuộc thành phố Hà Giang) bị chìm sâu trong biển nước.
Do lượng nước từ trên núi đổ xuống và từ các sông, suối tràn vào ban đêm và rạng sáng nên nhiều gia đình không kịp di chuyển đồ đạc. Nhiều ngôi nhà nước ngập cao trên 1m, có những nhà chìm sâu trong nước khiến tài sản có giá trị của nhiều gia đình hư hỏng nặng.
Mưa lũ kéo dài nhiều giờ còn khiến nhiều tuyến đường huyết mạch bị sạt lở và ngập cục bộ. Nhiều diện tích hoa màu, cây trồng của thành phố Hà Giang và huyện Hoàng Su Phì bị thiệt hại nghiêm trọng.
Đặc biệt, ngay tại cửa ngõ thành phố Hà Giang, đoạn Km5 tuyến đường Quốc lộ 2 từ Hà Giang-Hà Nội, hàng chục hécta đất đá từ trên đồi sạt lở, tràn xuống mặt đường gây ách tắc giao thông nhiều giờ.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã khẩn trương chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, lực lượng vũ trang, các ngành huy động lực lượng 4 tại chỗ để ứng cứu, di dời nhân dân đến nơi an toàn, đồng thời có các phương án đảm bảo giao thông thông suốt./.