Buổi tọa đàm gồm các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia và lãnh đạo thuộc Viện Công nghệ vũ trụ (STI - VAST), Cục viễn thám quốc gia (NRSD – MONRE), Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai (DMC – MARD), Cơ quan khai thác không gian Nhật Bản (JAXA), Trung tâm Địa không gian (GIC – AIT).
Mục tiêu chính của buổi tọa đàm nhằm nhìn lại cơ chế hợp tác tại mỗi nước thành viên, rà soát quy trình kết nối giữa DANs (Đầu mối phân tích dữ liệu-Data Analyse Nodes) và các sản phẩm cuối cùng tới người sử dụng nhằm tăng cường hiệu quả của các sản phẩm này trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đặc biệt là trong ứng phó khẩn cấp.
Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn – Phó Viện Trưởng đã có bài khai mạc buổi tọa đàm.
Các nội dung trình bày trong buổi tọa đàm nhằm tăng cường hiểu biết về khung quản lý thiên tai quốc gia tại Việt Nam; đánh giá trách nhiệm của các bên liên quan; đánh giá hiện trạng các thành viên DAN về vai trò và năng lực kỹ thuật; tóm tắt quá trình kích hoạt hệ thống Sentinel Asia, thành lập sản phẩm; đồng thời xác định các điểm còn trống/ thiếu trong việc tăng cường năng lực và thành lập sản phẩm cuối tới người dùng.
Trong phiên thảo luận, các cơ quan tham gia đều thống nhất những nội dung sau:
1. Cấu trúc liên lạc, thông tin tại Việt Nam
- DMC sẽ là đầu mối liên lạc chính trong các kích hoạt Sentinel Asia. Các kích hoạt từ DMC, STI, NRSD đều có giá trị như nhau. Trong một số trường hợp, các kích hoạt có thể từ các tổ chức khác thuộc DAN.
- STI và NRSD chịu trách nhiệm phân tích dữ liệu vệ tinh và cung cấp sản phẩm cho DMC.
- DMC chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm từ STI và NRSD, báo cáo lên Ban chỉ dạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.
- DMC, STI, NRSD sẽ cử đầu mối liên hệ trong công tác này.
- Dữ liệu từ SA sẽ được cung cấp trực tiếp cho STI và NRSD để phân tích.
- GIC (AIT) sẽ cùng làm việc với STI và NRSD để thành lập sản phẩm, chia sẻ và tăng cường kết quả.
2. Thành lập nhóm kỹ thuật
- DMC sẽ chuẩn bị đề xuất về cơ chế hợp tác, thành lập và hoạt động của nhóm kỹ thuật.
3. Thành lập quy trình vận hành chuẩn (SOP)
Xây dựng quy trình vận hành trong việc kích hoạt, thu nhận dữ liệu, phân tích dữ liệu, cơ chế kết nối, kỹ thuật thành lập sản phẩm cho các thiên tai điển hình: lũ, bão, hạn hán…
4. Chuẩn bị về dữ liệu vệ tinh
- Yêu cầu trước cho việc chuẩn bị các tư liệu viễn thám trước thiên tai, nhằm tích hợp với các mô hình, sản phẩm và các thông tin cảnh báo.
5. Tập huấn và tăng cường năng lực
- Cần sự hỗ trợ từ JAXA, AIT và các chuyên gia trong việc xây dựng hệ thống điều hành sử dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát khẩn cấp. Đề xuất nghiên cứu một “dự án” dựa trên những kinh nghiệm thành công trong quá trình kích hoạt, xử lý dữ liệu và phân phối sản phẩm.