Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, đợt triều cường này do ảnh hưởng của đợt gió đông bắc (gió chướng) từ biển Đông đi vào đất liền đã đẩy mực nước trong hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lên cao đột ngột. Đây là đợt triều cường có diễn biến bất thường bởi giữa tháng 3 mà triều cường có đỉnh xấp xỉ mức báo động III là hiện tượng khá hiếm trong nhiều năm qua. Thông thường, đây là thời điểm mức đỉnh triều khá thấp và đang xuống dần.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó với tình hình triều cường bất thường giữa tháng 3 và hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, ngày 13/3, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, đặc biệt là các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn chủ động kiểm tra các vị trí xung yếu và chuẩn bị lực lượng, vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải cát…) để kịp thời cơi đắp, xử lý ngay theo phương châm “4 tại chỗ” khi phát hiện sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố, không để xảy ra ngập úng, thiệt hại của nhân dân. Đồng thời, các địa phương thường xuyên thông báo trên các phương tiện truyền thông (đài phát thanh) về diễn biến đợt triều cường và ngày, giờ đỉnh triều xuất hiện; phổ biến, khuyến cáo hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Do ảnh hưởng của đợt triều cường giữa tháng 3, những ngày qua trên địa bàn thành phố có nhiều khu vực, tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Điển hình như đường Lương Định Của (quận 2); Bến Phú Định, Bình Đông, Phạm Thế Hiển đoạn qua phường 7 (quận 8); đường Nguyễn Hữu Cảnh, Bùi Đình Túy, khu vực Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… đã bị ngập sâu trong nước, nhiều nơi ngập tới hơn 50 cm.